Ngày 23/8, hơn 5.000 người di cư đã tới Serbia trong nỗ lực tiến về Tây Âu sau khi Macedonia mạnh tay ngăn chặn làn sóng người nhập cư tràn vào nước này. 

Ngày 24/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ có cuộc gặp, trong đó có nội dung thảo luận về hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư Âu đang rất cấp bách. 

Trong thông báo ngày 23/8, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, đây là một vấn đề nghiêm trọng và khó có thể mô tả giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng nhập cư lúc này: “Rất nhiều chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng châu Âu có thể tìm ra giải pháp cho khủng hoảng nhập cư nếu đoàn kết và kiên quyết. Nhưng đoàn kết có nghĩa là gì?”. 

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius lo lắng về khủng hoảng nhập cư ở châu Âu. (ảnh: AP)

Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh: “Nó có nghĩa là các nước phải đảm nhận phần của mình, đặc biệt trong vấn đề tỵ nạn chính trị và rất khó để nghĩ rằng các nước có thể đơn độc giải quyết vấn đề này. Đoàn kết cũng phải là hành động của các nước là  nơi xuất phát của làn sóng di cư. Chúng ta cũng phải xác định những trường hợp buôn lậu và rõ ràng là chúng ta không thể chấp nhận hết các trường hợp di cư vì kinh tế. Điều cần thiết là phải có sự phân biệt giữa những người muốn tới châu Âu vì những lý do chính đáng hay chỉ vì lý do kinh tế”.

Ngoại trưởng Pháp Fabius cũng cho rằng, các nước là điểm trung chuyển làn sóng người nhập cư cần phải tập trung vào vấn đề phân loại để xác định những người nhập cư được chấp nhận và những trường hợp bị từ chối. Ông khẳng định đây là vấn đề khó khăn.

Trong khi đó, Đức là nước tiếp nhận số người tỵ nạn lớn nhất tại Liên minh châu Âu, với dự kiến hơn 800 nghìn người trong năm nay. Các nhà chính trị quốc gia đầu tàu châu Âu lo ngại những tác động tiêu cực tới kinh tế và xã hội Đức trước làn sóng người tỵ nạn khổng lồ này.

Thậm chí, Thủ tướng Đức Merkel còn gọi cuộc khủng hoảng nhập cư là vấn đề lớn nhất mà Liên minh châu Âu phải đối mặt và nó còn khó khăn hơn cả cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Nhiều nhà chính trị cảnh báo “làn sóng bài ngoại” và chống người nước ngoài gia tăng tại Đức, khi chỉ trong nửa đầu năm nay đã xảy ra khoảng 150 vụ tấn công và đốt phá các khu trại của người tỵ nạn.

Hàng nghìn người di cư đang đổ về châu Âu mỗi ngày. Trong những ngày qua  có liên tiếp  thông tin về việc Italy cứu được hàng nghìn người di cư trên vùng biển Libya hay Hy Lạp ngày 23/8 đưa 2.500 người di cư Syria vào đất liền. Đây là chuyến phà thứ 3 chở người di cư tới thủ đô Athen của Hy Lạp trong 4 ngày qua.

Cùng ngày 23/8, hơn 5.000 người di cư đã tới Serbia trong nỗ lực tiến về Tây Âu sau khi Macedonia mạnh tay ngăn chặn làn sóng người nhập cư, chủ yếu đến từ Syria. Trước đó, Macedonia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở vùng biên giới phía Nam giáp Hy Lạp, đồng thời siết chặt hoạt động qua lại cửa khẩu và phong tỏa tuyến đường cao tốc nối giữa thủ đô hai nước, khiến hàng nghìn người di cư mắc kẹt tại biên giới. Lực lượng an ninh Macedonia đã rất khó khăn để kiểm soát tình hình và ngăn chặn dòng người ồ ạt, buộc phải sử dụng hơi cay và ném lựu đạn gây mê vào đám đông người di cư.

Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về việc cảnh sát chống bạo động của Macedonia sử dụng vũ lực để giải tán những người di cư. Không chỉ với Macedonia, Hungary cũng đang đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt, buộc nước này phải nhanh chóng hoàn tất các công trình xây dựng hàng rào dọc biên giới. Hungary cũng là một điểm trung chuyển lý tưởng những người di cư muốn đặt chân tới khi đây là cửa ngõ để tiến vào khu vực tự do thị thực Schengen, theo đó họ sẽ dễ dàng tới Đức và Thụy Điển./.