Đặt chân lên đất liền của châu Âu sau chuyến vượt biển nguy hiểm không có nghĩa là hành trình của những người di cư đã kết thúc. Họ vẫn còn cả một chặng đường phía trước trong cuộc di cư được gọi là “hành trình chết”, để tìm cơ hội đổi đời và cuộc sống mới không còn bị ám ảnh bởi đói nghèo hay xung đột nữa.
Các nhân viên cứu hộ tìm cách đưa người nhập cư lên bờ biển Hy Lạp. Ảnh AP |
Những thảm kịch chìm tàu thuyền chở người di cư cũng không thể cản được dòng người ồ ạt chủ yếu đến từ các nước Trung Đông và Bắc Phi dấn thân vào hành trình nguy hiểm này.
Theo thông tin đăng tải trên Euronews ngày 28/8, lại có thêm 200 người di cư được cho là đã thiệt mạng khi con thuyền chở họ bị chìm trên vùng biển ngoài khơi thành phố Zuwara của Libya.
Nguồn tin an ninh cho biết, một chiếc thuyền chở khoảng 400 người di cư trái phép, chủ yếu là người châu Phi, đã bị chìm trên biển. Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã cứu được khoảng 200 trên chiếc thuyền này, trong khi số người còn lại được cho là đã thiệt mạng. 147 người đã được đưa trở lại thành phố Zuwara.
Anh Ayman Tallaal, một người Syria nằm trong số những người may mắn sống sót chia sẻ: “Thuyền của chúng tôi đã bị chìm trên biển. Điều kiện trên thuyền rất tồi tệ và tôi chứng kiến những người xung quanh bỏ mạng. Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã cứu chúng tôi.
Chúng tôi đã buộc phải thực hiện cuộc di cư được gọi là “hành trình chết” này dù rằng chúng tôi biết rằng Địa Trung Hải được gọi là nấm mồ lớn với người di cư”.
Trước đó một ngày, 1 chiếc thuyền chở gần 500 người di cư đã được tàu của Thụy Điển, tham gia sứ mệnh cứu hộ của Liên minh châu Âu trên Địa Trung Hải, cứu thoát.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 430 người trên con thuyền này còn sống sót và được đưa tới đảo Sicily của Italy. Thi thể của hơn 50 người xấu số khác đã được tìm thấy trên tàu.
Đặt chân lên đất liền không có nghĩa là “hành trình chết” đã kết thúc. Với số lượng người nhập cư ồ ạt đổ tới, các nước châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, kéo theo những hệ lụy bạo lực và căng thẳng giữa các nước trong khu vực này.
Cũng theo Euronews, hơn 70 thi thể đã được phát hiện trong một chiếc xe tải của Áo bị bỏ lại ở khu vực biên giới với Hungary. Giới chức địa phương thông báo phát hiện chiếc xe đông lạnh này hôm qua trên tuyến đường A4, dẫn đến thủ đô Vienna của Áo.
Theo nguồn tin cảnh sát, chiếc xe này từng được nhìn thấy tại thủ đô Budapest của Hungary một ngày trước đó. Cảnh sát nghi ngờ đây là thi thể của những người nhập cư trái phép và đã thiệt mạng 2 ngày trước.
Đi kèm với làn sóng người nhập cư trái phép là tình trạng ẩu đả và bất ổn an ninh khiến nhiều người nhập cư phải bỏ mạng. Các thành phố tuyến đầu tiếp nhận người nhập cư tại Hy Lạp và Italy đang tiến gần tới giới hạn chịu đựng trước làn sóng người di cư.
Các nước đã phải huy động cảnh sát và mạnh tay kiểm soát tình hình. Trong đó, Liên Hợp Quốc không khỏi quan ngại việc cảnh sát chống bạo động của Macedonia sử dụng vũ lực với người nhập cư. Trong khi, làn sóng nhập cư trái phép đã vượt khỏi tầm kiểm soát từ cửa khẩu Calais trên đất Pháp qua đường hầm dưới biển Eurotunnel tới nước Anh.
Không những dẫn đến bất ổn tại Calais, vấn đề người nhập cư còn khiến Anh và Pháp tranh cãi căng thẳng. Liên minh châu Âu đã kêu gọi sự đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
Ủy viên cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini nói: “Chúng ta phải nhận thấy rằng việc đổ lỗi cho nhau không mang lại bất cứ kết quả tích cực nào cho tất cả chúng ta.
Vấn đề chính không phải là việc chỉ trích nước này hay nước kia có hành hành động hay không. Mà vấn đề chính là việc chúng ta cũng nhau đối phó với thách thức này như thế nào và cùng nhau giải quyết nó như thế nào?”
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan bàn về vấn đề người tị nạn kết thúc ngày 27/8 tại Áo, Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ kinh tế cho các nước khu vực này giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Trong những tháng gần đây, hàng trăm nghìn người tị nạn từ các nước Balkan như Macedonia và Serbia đã tràn vào Liên minh châu Âu. Khiến các nước Tây Balkan đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nhập cư lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trước mắt, Liên minh châu Âu sẽ đầu tư 600 triệu Euro phát triển hệ thống mạng lưới giao thông, đường sắt và lưới điện cho các nước Tây Belkan, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân các nước trong khu vực và tìm giải pháp cho vấn đề di cư. Trong những năm tiếp theo, số tiền đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng ở những nước này sẽ lên tới 7,7 tỷ Euro./.