Hội nghị lần này đang bị phủ bóng đen bởi cuộc khủng hoảng di cư, khi hàng chục nghìn người đến từ Bắc Phi và Trung Đông đổ tới khu vực Tây Balkan để tìm đường vào EU, tạo ra cuộc khủng hoảng người tỵ nạn nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Cảnh sát Hungary yêu cầu người nhập cư tránh xa hàng rào ngăn biên giới Serbia và Hungary. Ảnh AP |
Những người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tham gia cuộc họp, nhằm tìm ra những biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà châu Âu đang phải đối mặt.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, có những thách thức lớn mà các nước Tây Balkan (bao gồm Albania, Bosnia và Herzegovina), Macedonia, Montenegro, Serbia và Kosovo) đang phải đối mặt và EU cần phải nhanh chóng giúp những nước này đối phó với dòng người di cư. Tuy nhiên, vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều nhất tại hội nghị lần này lại là lời kêu gọi khẩn cấp đưa ra những biện pháp từ EU.
Châu Âu đang loay hoay tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư khi các nước không thể thống nhất được kế hoạch chung. Chính phủ các nước thành viên EU cũng bắt đầu đưa ra những cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề mà họ đang phải đối mặt.
Hungary đã xây dựng một hàng rào để ngăn người di cư. Phó Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis kêu gọi đóng cửa khu vực tự do đi lại Shengen với sự trợ giúp của quân đội NATO.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cảnh báo, nước này có thể xem xét đưa ra các biện pháp thắt chặt dòng người di cư bao gồm kiếm soát chặt chẽ hơn biên giới nếu EU không đưa ra một hành động thống nhất.
"Nếu chúng ta không sớm tìm ra một giải pháp của châu Âu , thì sẽ có thêm nhiều nước như Hungary và Đan Mạch- những nước đã và đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng với các biện pháp và sáng kiến riêng.
Điều này sẽ không có hiệu quả và đe dọa ý tưởng của châu Âu về một biên giới mở. Tôi hy vọng chúng ta có thể sớm tìm ra một câu trả lời của châu Âu. Tôi tin rằng, chỉ có một giải pháp châu Âu chúng ta mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư cùng nhau”, ông Kurz nói.
Các nước Tây Balkan, bao gồm Macedonia và Serbia- hai quốc gia trung chuyển lớn cho hàng nghìn người di cư và tỵ nạn- đều kêu gọi những hành động cụ thể của EU.
Ngoại trưởng Macedonia khẳng định, nếu các nước châu Âu không đưa ra câu trả lời thì cuộc khủng hoảng này sẽ không được giải quyết. Nhằm xoa dịu lo ngại của các nước Tây Balkan cũng như bảo vệ sự thống nhất trong EU, Cao Ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Mogherini nhấn mạnh những khó khăn trong việc giải quyết bài toán này và kêu gọi sự hợp tác lớn hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Bà Mogherini nói: “Không có một giải pháp kì diệu có thể giải quyết vấn đề trong một thời gian ngắn. Chúng ta không chỉ cần những quyết định chính trị hợp lý dù rất khó khăn từ châu Âu mà còn từ nhiều khu vực khác”.
Vấn đề di cư càng trở nên nóng tại hội nghị lần này khi cuộc khủng hoảng đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh, xã hội của các nước châu Âu.
Bạo lực nổ ra tại khu vực thị trấn biên giới Hungary mấy ngày qua, khi cảnh sát buộc phải bắn khí gas vào những người di cư đang cố gắng dời một trung tâm tỵ nạn sau khi từ chối lấy dấu vân tay.
Tình hình còn đang tồi tệ hơn ở khu vực bờ biển Nam Âu khi lực lượng cứu hộ tìm thấy nhiều thi thể trên những chiếc thuyền di cư tại Địa Trung Hải. Thủ tướng Đức Merkel lại đang phải đối mặt với những chỉ trích trong nước khi quyết định tiếp nhận khoảng 800.000 người tỵ nạn trong năm nay.
Báo động thảm họa nhân đạo gia tăng, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon hối thúc các nước tại châu Âu đưa ra biện pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn Antonio Guterres cũng kêu gọi việc thành lập khẩn cấp những điểm nóng trung chuyển để tiếp đón những người di cư./.