Những cải cách được mong đợi này sẽ được xem xét tại một hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu diễn ra vào cuối tuần này.

hy_lap_giu_dung_loi_hua_de_trinh_ke_hoach_cai_cach_moi_hinh_anh_tgpz.jpg
Một người Hy Lạp biểu tình ủng hộ EU trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp (Ảnh Reuters)

Người đứng đầu nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu Jeroen Dijsselbloem khẳng định đã nhận được kế hoạch cải cách của Hy Lạp. Theo ông Dijsselbloem, dù được gửi tới khá muộn, lúc gần nữa đêm hôm qua, song điều quan trọng là Hy Lạp đã giữ đúng lời hứa. 

Tuy nhiên, các đề xuất cải cách của Hy Lạp vẫn chưa được tiết lộ và theo ông Dijsselbloem, sẽ không được công bố trước cuộc họp của nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực Eurozone vào ngày 11/7.

Một hội nghị cấp cao bất thường của Liên minh châu Âu sẽ diễn ra sau đó một ngày tại thủ đô Brussels, Bỉ. Nếu bản kế hoạch được xem là cơ hội cuối cùng này của Hy Lạp vẫn không thể làm hài lòng các đối tác Liên minh  châu Âu, khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Liên minh châu Âu là hoàn toàn có thể.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cảnh báo: “Không có sự đoàn kết nào là không đi kèm với trách nhiệm. Chúng tôi không thể đoàn kết với một quốc gia từ chối chấp nhận tất cả các trách nhiệm của mình. Và nếu quốc gia đó chấp nhận trách nhiệm, thì họ có quyền được hưởng sự đoàn kết. Tôi hy vọng chúng tôi có thể cùng nhau giải quyết vấn đề và vượt qua mọi chuyện và đây cũng điều mà Hy Lạp cần phải chứng minh”.

Hồi đầu tuần, Hy Lạp đã cam kết tiến hành những cải cách về thuế và lương hưu để có thể nhận được mọt sự hỗ trợ trong 3 năm của Cơ chế ổn định châu Âu, tức quỹ khẩn cấp của Eurozone.

Theo nhật báo Hy Lạp Khathimerini, nước này đã soạn thảo một kế hoạch cải cách 12 tỷ Euro trong 2 năm, tức là một kế hoạch tham vọng hơn so với những dự báo trước đó nhằm tránh những  hậu quả của việc nền kinh tế rơi trở lại vào suy thoái.

Trong lúc chờ đợi  những phản ứng tiếp theo của Liên minh châu Âu, người dân Hy Lạp đang phải học cách sống với tình hình tài chính eo hẹp. Sau hơn 1 tuần phải đóng cửa, các ngân hàng của nước này cũng chưa thể mở cửa trở lại cho tới ngày 13/7.

Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương châu Âu đã quyết định tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực ngân hàng Hy Lạp nhằm tránh cho hệ thống ngân hàng của nước này bị sụp đổ./.