Đó là quyết định mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra sau cuộc họp Thượng đỉnh khẩn để bàn về tình hình Hy Lạp vào tối 7/7 tại Brussels.

chau_au_ra_han_chot_hy_lap_de_xuat_cai_cach_moi_hinh_anh_xpqf.jpg
Khuôn mặt đăm chiêu của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras (Ảnh Reuters)

Quyết định của các nhà lãnh đạo châu Âu, nói như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, là cơ hội thực sự cuối cùng để Hy Lạp tránh khỏi bờ vực sụp đổ và châu Âu tránh được kịch bản Grexit, tức là phải loại Hy Lạp khỏi khu vực đồng tiền chung.

Sau khi nhận được đề nghị mới từ Hy Lạp, trong ngày 11/7, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính của eurozone, tức là Eurogroup sẽ nhóm họp để đánh giá bản đề nghị mới này.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker thì nếu bản đề nghị này được coi là đủ nghiêm túc thì ngay trong ngày 12/7, tại cuộc họp Thượng đỉnh quy tụ 28 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, một gói cứu trợ khẩn cấp sẽ được châu Âu giải ngân nhằm giúp các ngân hàng Hy Lạp sớm mở cửa trở lại.

Gói cứu trợ này ban đầu sẽ được thực hiện dưới dạng một khoản vay ngắn hạn nhưng sau đó nhiều khả năng sẽ được thực thi dưới dạng một kế hoạch của Cơ chế ổn định tài chính châu Âu.

Trong trường hợp ngược lại, tức đề xuất của Hy Lạp không được thông qua thì tuyên bố về Grexit sẽ được đưa ra và châu Âu sẽ thực thi các biện pháp nhân đạo nhằm giúp đỡ dân chúng Hy Lạp.

Hiện tại, sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 mà kết quả là 61% dân chúng Hy Lạp nói “Không” với yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ, quan điểm của châu Âu đối với Hy Lạp vẫn rất cứng rắn.

Thậm chí, tại Đức, thành viên hùng mạnh nhất châu Âu, các tiếng nói đòi loại Hy Lạp khỏi eurozone ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Quan điểm này của Berlin nhận được sự ủng hộ của khá nhiều nước thành viên khu vực đồng tiền chung.

Ngay cả Pháp, nước vốn khá mềm mỏng với Hy Lạp và mâu thuẫn với Đức trước đây về cách đối phó với Athens, cũng xích lại gần quan điểm của Đức. Cả Đức và Pháp đều cho rằng Hy Lạp cần phải tuân thủ luật chơi và “đoàn kết và trách nhiệm là nền tảng của liên minh châu Âu”.

Sự cứng rắn này và đoàn kết hơn này từ châu Âu đặt ra sức ép rất lớn cho chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras dù ngay sau cuộc trưng cầu ý dân, ông Tsipras đã thay vị trí Bộ trưởng Tài chính của ông Yanis Varoufakis nhằm xoa dịu các nhà đàm phán châu Âu, vốn đặc biệt ác cảm với phong cách của ông Varoufakis.

Theo các nhà phân tích, bất chấp kết quả được cho là “thắng lợi” trong cuộc trưng cầu ý dân, áp lực dành cho Chính phủ Hy Lạp giờ đây không hề giảm đi so với trước kia./.