Sau khi Hy Lạp nói "Không" với gói cứu trợ kèm theo các yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ trong cuộc trưng cầu ý dân, châu Âu dự kiến sẽ có những cuộc họp khẩn để bàn về tình hình của Athens.

Dự kiến, tối 6/7, Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mở cuộc họp khẩn để quyết định có tiếp tục "bơm vốn" cho các ngân hàng Hy Lạp hay không.

Thủ tướng Đức Merkel sẽ hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris để xác định quan điểm chung trước khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu họp khẩn ở Brussel (Bỉ) vào ngày mai.

nganhang_figc.jpg
Hàng loạt ngân hàng của Hy Lạp đóng cửa

Như vậy, những ngày sắp tới sẽ là những ngày then chốt với Hy Lạp. Thời gian hiện đang rất gấp rút, bởi ngày 20/7, Hy Lạp sẽ tiếp tục phải trả khoản nợ đáo hạn trị giá 3,5 tỷ Euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Trước đó Thủ tướng Hy Lạp Tsipras khẳng định, kết quả trưng cầu dân ý đồng nghĩa với việc chính quyền Athens sẽ có lợi thế mới trong cuộc đàm phán với các chủ nợ châu Âu.

Ông cho rằng đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tính đến phương án giảm nợ cho Hy Lạp và giãn bớt các biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ mà nước này phải thực hiện.

Trong khi đó, trong một tuyên bố hôm 6/7, Đức cho biết, cánh cửa vẫn mở cho cuộc đàm phán với Hy Lạp. Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert nói: “Chính phủ Đức vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán với Hy Lạp. Cho dù người dân Hy Lạp có quyết định như thế nào, thì điều kiện cho việc đáp ứng gói cứu trợ mới vẫn không thay đổi. Chúng tôi sẽ thảo luận về chuyện của châu Âu, về việc làm thế nào giúp người dân Hy Lạp, nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào đề nghị của phía chính phủ Hy Lạp”.

Với việc các ngân hàng đóng cửa, máy ATM hết tiền, sự thông cảm của các chính quyền châu Âu dành cho Athens cạn dần, số phận của Hy Lạp sẽ phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương châu Âu và đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân vật quyền lực nhất tại châu Âu.

Reuters đưa tin, sau khi Hy Lạp nói không với gói cứu trợ với những điều kiện ngặt nghèo của châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân, các nhà phân tích nói rằng, có đến 80% khả năng Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Ông Mike Ingram - nhà phân tích thị trường tại Công ty chứng khoán BGC Partners có trụ sở ở London (Anh) nhận định: "Không hẳn cách Hy Lạp tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, mà bởi vì Hy Lạp trước đó đã cận kề thời điểm rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, vấn đề còn lại là thời gian. Một cuộc bỏ phiếu sẽ khiến khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu là 70-80%”.

Theo ông Ingram, kết quả bỏ phiếu đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Theo thống kê, giá chứng khoán trên thị trường Mỹ sụt giảm 1,2%, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng sụt 1,4%, thị trường chứng khoán Sydney của Australia 1,33%, chỉ số cổ phiếu lớn (blue-chip) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng giảm 1,7%.

Dù vậy, các chuyên gia tài chính nhận định chưa có dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Hy Lạp, khoảng 61,31% người dân nước này đã bỏ phiếu chống lại yêu sách thắt lưng buộc bụng cùng khổ mà châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ép Athens phải thực hiện để nhận cứu trợ. Chỉ 38,69% cử tri bỏ phiếu thuận./.