Các nhà lãnh đạo thế giới đã có mặt tại The Hague, Hà Lan để tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân trong 2 ngày 24 và 25/3. Hội nghị lần này tập trung vào việc ngăn chặn nguy cơ khủng bố bằng vũ khí hạt nhân thông qua việc giám sát số lượng nguyên liệu hạt nhân được làm giàu ở cấp độ cao, tăng cường an ninh đối với tất cả các nguyên liệu và nguồn phóng xạ, tăng cường kết nối toàn cầu trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.

anninh1.jpg
Nhân viên an ninh bên ngoài địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân ở The Hague (Anhe: dpa)

Kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân được tổ chức lần đầu ở  Mỹ năm 2010 đến nay, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo an toàn các nguyên liệu hạt nhân trên thế giới.

Cụ thể, đã có 12 nước loại bỏ những nguyên liệu được làm giàu ở cấp độ cao có thể dùng để chế tạo vũ khí. Tuy nhiên, hiện có 25 nước vẫn đang sở hữu nguyên liệu hạt nhân có thể dùng cho việc chế tạo vũ khí.

Kể từ năm 1993 đến nay, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ghi nhận 16 vụ trộm nguyên liệu hạt nhân được làm giàu ở cấp độ cao. Mỗi năm trên thế giới có đến hơn 100 vụ nguyên liệu hạt nhân bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách rằng Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3 tại Hà Lan phải đạt được những kết quả cụ thể hơn, nhằm thành lập một tổ chức thống nhất cách quản lý hiệu quả các nguyên liệu và cơ sở hạt nhân trên toàn thế giới.

Thủ tướng nước chủ nhà Hà Lan Mark Rutte nói: “Khủng bố hạt nhân là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh toàn cầu. Hơn thế nữa, việc còn thiếu các thỏa thuận quốc tế ràng buộc về lĩnh vực này khiến chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Tại hội nghị lần này ở The Hague, thành phố của Hòa bình và Công lý, chúng ta sẽ phải làm cho thế giới an toàn hơn”.

Các chuyên gia cho rằng, các nước cần phải tăng cường chia sẻ những thông tin không nhạy cảm về lĩnh vực hạt nhân nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau trong vấn đề này. Mỗi nước cũng cần chủ động tích cực thực hiện các biện pháp cải thiện an ninh hạt nhân trước khi cộng đồng quốc tế có một cơ chế thống nhất.

Theo giới phân tích, 2 hội nghị lần trước mới chỉ tập trung vào một thỏa thuận có thể chấp nhận được cho tất cả các bên trong lĩnh vực an ninh hạt nhân nhưng chưa vạch ra những chiến lược cụ thể cần phải thực hiện để ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans nhấn mạnh: “Kết thúc hội nghị này, nếu chúng ta có thể kết luận rằng những gì chúng ta làm ở đây có thể loại trừ khả năng nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay kẻ xấu, bị sử dụng sai mục đích đe dọa tới người dân, chúng ta đã đạt được một thành công lớn, không chỉ đối với Hà Lan mà cho cả nhân loại”.

Giới quan sát kỳ vọng rằng bên lề hội nghị này các nước sẽ đạt được những thỏa thuận song phương góp phần nâng cao an ninh hạt nhân cho thế giới. Song dư luận lo ngại việc G7 nhóm họp bên lề hội nghị lần này trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây đang căng thẳng có thể ảnh hưởng đến mục đích ban đầu của Hội nghị là giảm nguy cơ khủng bố hạt nhân và thắt chặt an ninh hạt nhân thông qua tăng cường hợp tác giữa các nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng nước chủ nhà Hà Lan Mark Rutte đã bác bỏ những quan ngại này. Mặc dù vậy, việc Mỹ sẽ cắt giảm 220 triệu USD cho chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân trong năm tới vẫn khiến dư luận hoài nghi về những nỗ lực và ưu tiên của Washington đối với vấn đề do chính Tổng thống Obama khởi xướng.

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tiếp theo tại Washington, Mỹ, vào năm 2016 có thể sẽ là lần cuối cùng các nguyên thủ quốc gia gặp nhau trước khi khuôn khổ hội nghị này đổi sang cơ chế trao đổi khác. Vì thế cuộc gặp tại Hà Lan lần này là một trong hai cơ hội còn lại để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đạt được một thỏa thuận về hệ thống kiểm soát an ninh hạt nhân toàn cầu./.