Sau hai ngày nhóm họp tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân ngày 27/3 đã bế mạc và ra Tuyên bố chung Seoul. Theo đó, các nước cam kết hạn chế tối đa và dần loại bỏ các nguyên liệu có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân như urani làm giàu cấp độ cao hay plutoni. Cam kết cũng bao gồm giải giáp chống phổ biến vũ khí hạt nhân và khuyến khích sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

lanh-dao.jpg
Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã ra tuyên bố chung Seoul (Ảnh: Tân Hoa xã)
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho rằng, nội dung Tuyên bố Seoul đề cập nhiều lĩnh vực như, hệ thống an toàn hạt nhân trên toàn cầu, vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, vấn đề bảo đảm an toàn hạt nhân, trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế…Tuyên bố đồng thời đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường bảo đảm an ninh hạt nhân.

Theo Yonhap, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đã thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị cao trong việc tăng cường an ninh hạt nhân, ngăn chặn khủng bố hạt nhân, đồng thời nêu bật sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này.

Hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị nói rằng, an ninh thế giới sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào quyết sách của lãnh đạo các nước. Cần hợp tác ngăn chặn nhiên liệu hạt nhân rơi vào tay chủ nghĩa khủng bố, đồng thời nâng cao an toàn tại các cơ sở hạt nhân trên toàn cầu.

Còn hãng tin Nhật Bản Kyodo có bài bình luận cho rằng, việc các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận các biện pháp nâng cao trình độ quản lý an toàn các cơ sở hạt nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề an toàn hạt nhân, kể từ sau khi xảy ra sự cố hạt nhân tại Nhật Bản hồi năm ngoái.

Trả lời phỏng vấn “Thời báo Hindustan”, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân đã nhấn mạnh đến việc phát triển các kế hoạch hạt nhân phải đi đôi với nâng cao tiêu chuẩn an toàn hạt nhân./.