Dự kiến tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ kêu gọi tăng cường hành động để giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hạt nhân được làm giàu ở cấp độ cao vì mục đích dân sự.

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3 quy tụ 58 nhà lãnh đạo từ 53 nước và các tổ chức khu vực cũng như quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye...

nucl_copy_copy_copy.jpg
Quang cảnh bên ngoài nơi diễn ra Hội nghị (Ảnh Reuters)

Nhận lời mời của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam cũng tham dự Hội nghị lần này.

Hà Lan đã dành ra 2 năm và chi khoảng 24 triệu Euro để chuẩn bị cho Hội nghị lần này. Công tác đảm bảo an ninh cho Hội nghị được chính phủ Hà Lan chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Khu vực diễn ra Hội nghị được bao quanh bởi hàng rào trắng và các chốt giao thông đã sẵn sàng đảm bảo các tuyến đường phục vụ Hội nghị sẽ thông thoáng.

Quan chức Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết, số lượng nhân viên an ninh được huy động trong Hội nghị lần này nhiều gấp 4 lần so với lễ đăng quang của Nhà vua Hà Lan năm ngoái.

Chuẩn tướng không quân Hà Lan Theo ten Haaf cho biết: “Đây là một chiến dịch lớn đối với cả lực lượng cảnh sát và quốc phòng. Nhưng chúng tôi đảm bảo rằng Hội nghị được bảo vệ tốt, không chỉ trên mặt đất mà cả trên biển và vùng trời”.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề như khủng bố quốc tế và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí hạt nhân; nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng.

Chính vì thế, các nước rất coi trọng vai trò của cơ chế đa phương trong việc hoạch định và điều phối các hoạt động quốc tế, nhằm đối phó với các thách thức này.

Vấn đề đảm bảo an ninh hạt nhân trong khi bảo đảm quyền phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình là mối quan tâm cao của nhiều quốc gia.

Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh môi trường (IES) ở La Hay Wouter Veening cho biết: “Năng lượng hạt nhân đang ngày càng phổ biến. ở Mỹ, Tổng thống Obama đang xem xét năng lượng hạt nhân như 1 phương án trả lời cho bài toán biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể coi ông là một trong những nhân tố làm tăng nguyên liệu phóng xạ, chính vì thế ông cũng có trách nhiệm phải bảo vệ nguyên liệu hạt nhân này an toàn và kiểm soát hợp lý”.

Ủy ban quốc tế về nguyên liệu phân tách (IPFM) cho biết, tính đến cuối năm ngoái, 30 nước trên thế giới sở hữu ít nhất 1kg nguyên liệu hạt nhân được làm giàu ở mức độ cao trong kho dự trữ dân sự của những nước này. Trong đó ngoài các nước phương Tây còn có Pakistan, Uzbekistan, Khazastan và Belarus.

Mục tiêu chính của Hội nghị là trao đổi và tăng cường hợp tác để đảm bảo an ninh hạt nhân, không để nguyên liệu hạt nhân bị sử dụng sai mục đích, rơi vào tay những tổ chức tội phạm, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân.

Hội nghị sẽ nêu bật tầm quan trọng của việc có một hệ thống luật pháp và quy định mạnh về an ninh hạt nhân ở cấp quốc gia; Sự cần thiết phải tăng cường và phối hợp tốt hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hạt nhân./.