Mười ngày sau khi Cách mạng nổ ra ở thủ đô Petrograd (tức thành phố Saint Petersburg), giới chức và các thư ký của Bộ Tài chính Đế chế Nga tụ họp để phản đối việc đảng Bolshevik giành chính quyền nhà nước.
Sergey Belgard – một thư ký của Bộ Tài chính này, viết: “Chúng tôi quyết định khởi động một cuộc tổng đình công và ra nghị quyết”. Nghị quyết này như sau: “Chúng tôi, nhân viên Bộ Tài chính, tuyên bố: 1- Chúng tôi không cho rằng mình có thể tuân theo các mệnh lệnh xuất phát từ những người vừa giành chính quyền. 2- Chúng tôi từ chối bước vào mối quan hệ chính thức với họ. 3- Từ giờ trở đi, cho đến khi thiết lập được chính quyền nhận được sự công nhận quốc gia, chúng tôi ngắt các hoạt động chính thức, và đặt trách nhiệm về các hậu quả của việc này lên những người giành chính quyền”.
Khi Vyacheslav Menzhinsky – một thủ lĩnh Bolshevik được Lenin chỉ đạo tới tiếp quản Ngân hàng Quốc gia, có mặt tại trụ sở Bộ Tài chính thì Giám đốc Vụ Tín dụng Conrad Sahmen từ chối bắt tay Menzhinsky. Đáp lại, Menzhinsky nói: “Tôi không còn coi ông là giám đốc của Vụ Tín dụng nữa”. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Cố giữ ngân khố quốc gia
Tất nhiên, Bộ Tài chính không phải là thể chế duy nhất phản kháng lại quyền lực của đảng Bolshevik. Hai ngày sau khi họ ra nghị quyết của mình, vào ngày 29/10, học viên một số trường sĩ quan quân sự ở Petrograd nổi loạn chống lại phe Bolshevik. Cuộc nổi loạn nhanh chóng bị đè bẹp.
Cả cuộc bạo động của học viên sĩ quan và cuộc đình công của các quan chức đều lấy cảm hứng từ “Ủy ban Cứu nguy Tổ quốc và Cách mạng” – một tổ chức phản cách mạng do các thành viên của Duma thành phố Petrograd tạo ra vào đêm 26/10 (theo lịch Nga cũ) khi lực lượng Bolshevik đánh chiếm Cung điện mùa Đông. Ủy ban này tuyên bố đảng Bolshevik và quyền lực của họ là bất hợp pháp. Họ phân phát tờ rơi hối thúc các công dân không công nhận chính phủ mới.
Sau khi cuộc nổi loạn của học viên sĩ quan thất bại, Ủy ban trên đã dành toàn tâm toàn sức ủng hộ cuộc đình công của giới công chức. Hơn 40.000 nhân viên và quan chức tham gia cuộc đình công mở màn vào tháng 10/1917 (lịch Nga), bao gồm 10.000 nhân viên ngân hàng, 6.000 công nhân bưu chính, 4.700 nhân viên điện tín, và 3.000 thư ký doanh nghiệp thương mại. Công nhân ngành in đe dọa ngừng in các tài liệu Bolshevik, công nhân ngành lương thực ở Moscow quyết định ngừng xuất lương thực tới Petrograd.
Anatoly Lunacharskiy – một lãnh đạo Bolshevik nổi tiếng và Phó Chủ tịch Xô viết Petrograd, nói: “Khối nhân viên kỹ thuật đang phá hoại ngầm chúng tôi. Chúng tôi không thể tự sửa chữa mọi thứ được. Cái đói sắp bắt đầu”.
Lunacharskiy có mối quan hệ chặt chẽ với giới trí thức chế độ cũ và hiểu rằng cuộc đình công của các công chức Sa hoàng có thể là đòn đánh chí tử. Ông nói: “Vào lúc này, chúng ta trước tiên phải giành quyền kiểm soát với toàn bộ bộ máy công chức”.
Không tiếp cận được Ngân khố và Ngân hàng Quốc gia, phe Bolshevik gặp khó khăn thực sự. Nhân viên Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo hướng tới các công dân Nga như sau:
“Hỡi các công dân thân mến! Ngân hàng Nhà nước đang đóng cửa. Vì sao? Là vì bạo lực do phe Bolshevik gây ra cho Ngân hàng Nhà nước đã không đem lại cơ hội tiếp tục làm việc. Các bước đầu tiên của các dân ủy đã được bày tỏ trong yêu cầu lấy 10 triệu rúp. Vào ngày 28/10, họ yêu cầu 25 triệu rúp mà không nói rõ số tiền này sẽ dùng cho việc gì… Chúng tôi – các công chức Ngân hàng Nhà nước, không thể tham gia vào việc cướp phá di sản quốc gia. Chúng tôi đã ngừng làm việc.
Hỡi các công dân, tiền của Ngân hàng Nhà nước là tiền của nhân dân, là công sức, mồ hôi, và máu của nhân dân. Hãy bảo vệ ngân khố quốc gia khỏi tình trạng hôi của, và hãy bảo vệ chúng tôi khỏi bạo lực, khi ấy chúng tôi sẽ quay trở lại làm việc ngay”.
“Quan chức chống đối phải rời căn hộ công trong vòng 3 ngày”
Ngân hàng Nhà nước chưa phải là vấn đề lớn nhất. Quan chức của Bộ Ngoại giao Nga phá hoại ngầm cả chính Leon Trotsky – một trong các thủ lĩnh hàng đầu của phong trào Bolshevik thời điểm đó.
Trotsky – Dân ủy Ngoại giao đầu tiên trong chính phủ mới, nhớ lại ngày đầu tiên của mình tại bộ này: “Tôi được thông báo không còn ai ở đó và rằng các nhân viên không chịu lộ diện để làm việc. Tôi yêu cầu tập hợp những ai xuất hiện. Hóa ra có khá nhiều người xuất hiện thật… Tôi giải thích với họ rằng vấn đề chính quyền mới là không thể đảo ngược, và bất cứ ai muốn phục vụ điều tốt đẹp thì hãy ở lại làm việc. Nhưng điều này cũng không có mấy tác dụng”.
Khoảng 600 công chức từ chức ngay lập tức, nhiều người về nhà, nhưng cũng có một số người ở lỳ trong văn phòng của mình và khóa trái cửa. Thứ trưởng Ngoại giao Anatoliy Neratov còn cố gắng trốn đi cùng các bản gốc hiệp ước bí mật của chính quyền Đế chế Nga. Tại Bộ Lao động, tân Dân ủy Alexander Shlyapnikov thậm chí còn không thể yêu cầu các thư ký nhóm lửa ở lò sưởi.
Trong khi đó, tại Bộ Tài chính, các tài liệu tài chính quốc tế đã bị đốt, khiến không thể xác định quan hệ tài chính của Nga với các nước khác.
Đảng Bolshevik đã triển khai các biện pháp khẩn cấp. Vào ngày 1/11/1917 (lịch Nga cũ), Ủy ban Cách mạng Petrograd ngừng trả lương cho các công chức chế độ cũ tham gia đình công. Vào ngày 26/11, Ủy ban này tuyên bố các phần tử phản cách mạng và các kẻ phá hoại ngầm là “kẻ thù của nhà nước”.
Vyacheslav Menzhinsky ban hành một mệnh lệnh mà ông trình bày riêng với các quan chức của Bộ Tài chính: “Tất cả các nhân viên không công nhận thẩm quyền của Xô viết Dân ủy (SPC) sẽ bị xem xét sa thải mà không được giữ lại quyền lợi hưu trí. Nhân viên và quan chức muốn tiếp tục công việc và cam kết tuân thủ đầy đủ quyền lực của SPC, nên bắt đầu công việc vào Thứ Hai. Các công chức bị sa thải mà sử dụng các căn hộ thuộc sở hữu của nhà nước thì phải dọn sạch nhà trong vòng 3 ngày.
Trấn áp Đỏ và dàn công chức mới
Vào ngày 17/11, Menzhinsky dùng vũ lực để xông vào trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Người của ông đã phá két sắt và tịch thu tiền bạc. Thời điểm này đánh dấu sự khởi đầu của Trấn áp Đỏ. Vào ngày 7/12 (lịch Nga cũ), Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (Cheka) dưới trướng thủ lĩnh Felix Dzerzhinsky đã được lập ra để chống lại phá hoại ngầm. Lãnh tụ vô sản Lenin trao cho Cheka “các quyền hành khẩn cấp” để ra tay không khoan nhượng với kẻ thù của chế độ mới.
Gần như ngay lập tức, Cheka phát hiện ra rằng “Ủy ban nhân viên thể chế nhà nước” – một tổ chức gồm các quan chức Sa hoàng, đang thu thập tiền bạc để hỗ trợ tài chính cho các nhân viên đình công. Để làm được điều này, các cựu bộ trưởng của Chính phủ Lâm thời đã thu 40 triệu rúp từ Ngân hàng Nhà nước. Tiền còn được quyên góp từ tầng lớp trung lưu. Dựa trên số tiền này, các công chức đình công đã được trả lương trước 1-2 tháng. Vào ngày 18/12, người ta chặn được một bức điện của các cựu bộ trưởng Chính phủ Lâm thời kêu gọi tất cả các công chức hãy thực hiện các hành động phá hoại ngầm trên khắp nước Nga.
Trong bối cảnh đó, vào ngày 17/12, Leon Trotsky tuyên bố: “Trong vòng 1 tháng, trấn áp sẽ diễn ra dưới hình thức rất cứng rắn, noi gương các nhà cách mạng Pháp vĩ đại. Kẻ thù của chúng ta sẽ đợi chờ máy chém chứ không chỉ nhà tù”.
Vào năm 1918, Trấn áp Đỏ có hiệu lực đầy đủ. Các công chức, quan chức nào mà khước từ ký vào văn bản không hợp tác với các tổ chức phản cách mạng sẽ bị trấn áp. Vào ngày 3/9/1918, 512 cựu quan chức, bộ trưởng, giáo sư… đã bị xử bắn.
Lúc này xuất hiện nhiều vị trí trống trong bộ máy nhà nước. Các công chức Do Thái có học hành đã lấp đáng kể vào các vị trí mới. Trước đó những người này không có cơ hội phục vụ trong các thể chế nhà nước ở Nga do luật pháp Sa hoàng hạn chế các quyền của họ. Chính vì lẽ đó, hầu hết dân chúng Do Thái ở Nga vào lúc đó có thái độ chống đối Sa hoàng. Những người Bolshevik, trái lại, ủng hộ người Do Thái Nga. Vào ngày 25/7/1918, Xô viết Dân ủy ra sắc lệnh “Về cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái và truy bức người Do Thái”. Theo đó, người Do Thái được mời tham gia nhà nước mới và Hồng quân.
Semen Dimanstein – một quan chức Xô viết chịu trách nhiệm về các cộng đồng Do Thái trong Bộ Dân ủy các Dân tộc, viết: “Việc có số lượng lớn trí thức Do Thái có mặt ở các thành phố Nga do chiến tranh đã phục vụ rất nhiều cho cách mạng. Họ ngăn chặn tình trạng phá hoại ngầm mà chúng tôi đối mặt ngay sau Cách mạng tháng Mười”.
Dimanstein cũng viết rằng chính Lenin đã nhấn mạnh công lao của những công chức mới và có năng lực này trong nỗ lực của đảng Bolshevik giành và cải tạo bộ máy nhà nước./.