Cheka là lực lượng an ninh của chính quyền Bolshevik (Nga), được thành lập ngay sau Cách mạng tháng Mười (1917), thậm chí trước cả Hồng quân Công nông. Đây chính là “thanh kiếm và tấm khiên của Cách mạng”, bảo vệ chế độ Xô viết trước nội phản và gián điệp quốc tế.
Làn sóng chống đối của các thế lực thù địch gia tăng trong suốt năm 1918 sau đó nên quy mô và phạm vi của Cheka cũng tăng lên đáng kể. Cheka là tiền thân của Bộ Nội vụ rồi cơ quan KGB sau này của Liên Xô.
Biểu tượng "thanh gươm và tấm lá chắn" của Cheka. Ảnh: Soviet power. |
Nhiệm vụ cụ thể của Cheka là “truy tố và đập tan mọi hành động phản cách mạng và phá hoại ngầm trên khắp đất nước Nga, bất kể nguồn gốc của chúng..., là đưa ra trước tòa án cách mạng tất cả các phần tử phản cách mạng và phá hoại ngầm, vạch ra kế hoạch đấu tranh với bọn chúng”.
Theo sắc lệnh của Vladimir Lenin (ký ngày 19/12/1917), tổ chức Cheka (tên đầy đủ là Ủy ban đặc biệt toàn Nga về Đấu tranh chống Phản cách mạng và Phá hoại ngầm) được chính thức thành lập vào ngày 20/12/1917, với trụ sở đóng ở Petrograd (nay là Saint Petersburg) và vị Chủ tịch đầu tiên là Felix Dzerzhinsky. Tổ chức này tồn tại từ năm 1917-1922, với quyền lực vô cùng rộng lớn.
Lãnh tụ Lenin tin tưởng giao phó Cheka cho Dzerzhinsky vì đây là nhân vật đã được tôi luyện trong lao tù Sa hoàng và nắm rõ hơn ai hết các thủ thuật của cảnh sát Sa hoàng, đồng thời có những phẩm chất đặc biệt khác phù hợp với vị trí này.
Đội quân sườn sắt
Khi nhận được sắc lệnh của Lenin, Dzerzhinsky đã cẩn thận lựa chọn những người Bolshevik đáng tin cậy mà ông biết để tham gia nhiệm vụ bảo vệ cách mạng – những người này phải có 2 phẩm chất là không dễ bị tha hóa và không mềm yếu trước kẻ thù.
Martin Latsis, một cán bộ cao cấp trong bộ máy Cheka đã viết như sau về hoạt động của tổ chức này:
“Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Đặc biệt toàn Nga diễn ra vào ngày 20/12/1917. Khi đó chính quyền Xô viết bị tấn công từ mọi phía. Các quan chức chế độ cũ phá hoại ngầm với mưu toan chặn đứng hoạt động của chính phủ. Phái Kadet và các sĩ quan quân đội cũ bắt đầu nổi dậy với ý đồ lật đổ người Xô viết. Vikzhel lên kế hoạch đình công trong ngành đường sắt. Phái Menshevik và Cách mạng Xã hội Cánh hữu dùng đủ mọi loại vũ khí để phát động một cuộc chiến chống lại chính phủ Xô viết; bọn đầu cơ lợi dụng tình hình khó khăn của đất nước để làm ăn phi pháp... Trong khi đó, quân Đức đang tiến đến gần, đe dọa thủ đô Petrograd...
Để chống lại giặc ngoài, chúng tôi đã tổ chức được lực lượng Cận vệ Đỏ, về sau trở thành Hồng quân. Để đối phó với thù trong, cần tạo ra một cơ quan với nhiệm vụ bảo vệ sau lưng Hồng quân và cho phép phát triển một cách hòa bình hình thái chính quyền Xô viết. Một cơ quan như thế là Ủy ban Đặc biệt về Đấu tranh chống Phản cách mạng và Phá hoại ngầm. Về sau, chức năng của nó mở rộng, bao gồm cả xử trí các vấn đề như đầu cơ, lơ là nhiệm vụ và trộm cướp”.
Chân dung Phó Chủ tịch Cheka - Yakov Peters, trợ thủ đắc lực của Dzerzhinsky. Ảnh: Spartacus Educational. |
Ban đầu Cheka chỉ gồm 120 nhân viên. Dzerzhinsky đã tuyển dụng thêm hàng ngàn nhân viên mới. Ông cũng tổ chức ra các đơn vị bán vũ trang của riêng Cheka – vào mùa thu 1918, số lượng các đơn vị này là 33 tiểu đoàn với quân số hơn 20.000 lính. Đến năm 1919, Cheka có hơn 100.000 nhân viên và là một trong cơ quan lớn nhất và có ngân sách tốt nhất trong nhà nước Xô viết.
Trong lịch sử của mình, Cheka đã tiến hành hàng loạt vụ bắt bớ, thẩm vấn, và hành quyết. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng, Cheka được trao quyền rộng lớn và sự “chủ động” cao độ trong công tác của mình.
Đối tượng tác chiến của Cheka là các kẻ thù của nhà nước, “kẻ thù của nhân dân”. Đối tượng đó bao gồm các gián điệp, phần tử trung thành với Sa hoàng, kulak, các phần tử phản cách mạng và cả các phần tử đầu cơ chợ đen.
Cheka tiêu diệt hàng chục ngàn đối tượng, trấn áp bằng nhiều biện pháp khác nhau. Cheka đã xử tử hàng trăm cán bộ nhận hối lộ và các phần tử đầu cơ.
Dù là lực lượng an ninh, nhưng nhiều hoạt động trấn áp của Cheka diễn ra công khai, với mục đích răn đe các kẻ thù giai cấp và gây khiếp sợ cho kẻ thù của cách mạng.
Cheka đã dập tắt hiệu quả nhiều sự phản kháng, giúp bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, duy trì hệ thống giao thông vận tải, bảo đảm sự vận hành bình thường cho các ngành công nghiệp trong bối cảnh các thế lực thù địch chỉ trực chờ bóp chết Cách mạng.
Bạo lực có tổ chức
Trong phát biểu đầu tiên với tư cách là Chủ tịch của Cheka, Dzerzhinsky tuyên bố: “Không còn thời gian để phát biểu dài dòng. Cách mạng đang lâm nguy. Kẻ thù của chúng ta đang tập hợp lực lượng. Bọn phản cách mạng đang hoạt động và tổ chức các ổ nhóm ở nhiều vùng của đất nước. Kẻ thù có mặt ở ngay Petrograd, ngay nơi trái tim của chúng ta. Chúng ta có bằng chứng rõ ràng về điều đó và chúng ta phải gửi ra mặt trận này những đồng chí cứng rắn và năng nổ nhất, mạnh mẽ nhất, trung thành nhất, những người sẵn sàng làm tất thảy để bảo vệ thành quả Cách mạng... Nay chúng ta cần đến một trận tử chiến. Tôi yêu cầu tuốt ngay thanh gươm Cách mạng để kết liễu tất cả bọn phản cách mạng. Chúng ta phải hành động ngay hôm nay, ngay bây giờ!”.
Đến tháng 7/1918, Dzerzhinsky giải thích như thế này: “Phải thành thực thừa nhận rằng chúng ta đại diện cho bạo lực có tổ chức. Bạo lực là tuyệt đối cần thiết trong các thời khắc cách mạng. Mục đích của chúng ta là chiến đấu chống lại các kẻ thù của chính quyền Xô viết và kẻ thù của trật tự đời sống mới. Chúng ta phải phán xử thật mau chóng”.
David Shub, một cựu thành viên của phái Menshevik (đối thủ của đảng Bolshevik), kể lại: “Trong căn phòng nhỏ của mình, Dzerzhinsky liên tục mài sắc công cụ chuyên chính của nhà nước Xô viết. Về đêm, người của Dzerzhinsky hoạt động trong khắp thành phố Petrograd, xông vào các căn hộ có các nghi phạm rồi hành động một cách quyết đoán...”.
Đối phó với hàng loạt vụ mưu sát
Ngày 17/8/1918, Moisei Uritsky – Dân ủy Nội vụ ở vùng phía bắc của Nga đã bị một học viên sĩ quan ám sát. Nhà cách mạng mác xít Anatoly Lunacharsky đã bình luận về sự kiện này như sau: “Chúng đã giết đồng chí ấy. Chúng đánh một đòn tính toán kỹ vào chúng ta. Chúng đã ngắm bắn một trong những người tài năng nhất và bảo vệ mạnh mẽ nhất cho giai cấp vô sản”.
Báo chí Xô viết sau đó xuất bản các bài viết cáo buộc và khẳng định Uritsky bị ám sát là do ông đang làm sáng tỏ “âm mưu can thiệp của người Anh ở Petrograd”.
Các nguồn tài chính giúp đảng Bolshevik làm Cách mạng Tháng Mười
Bất chấp các phanh phui nói trên, các đại diện của Anh khi đó ở Nga tiếp tục với kế hoạch lật đổ chính quyền Bolshevik. Các âm mưu lật đổ này còn có cả các nhân tố của Pháp và Mỹ.
Trong các kế hoạch trên có cả nội dung bắt giữ Lenin và các lãnh đạo cao cấp khác của đảng Bolshevik tại một cuộc họp diễn ra vào ngày 28/8/1918. Nhưng cuộc họp đã được dời sang một ngày khác nên âm mưu này phá sản.
Ngày 31/8/1918, nhân vật Fanya Kaplan nổ súng ám sát Lenin. Lãnh tụ Lenin bị bắn trọng thương, đạn găm vào cổ và vai khiến ông suýt không qua khỏi. Nga cáo buộc tình báo Anh đứng đằng sau vụ mưu sát này.
Cheka đã phản ứng ngay, xử lý hàng loạt đặc vụ bên trong Đại sứ quán Anh ở Petrograd.
Xương sống chế độ
Trước làn sóng phản kháng và ám sát từ các đối thủ của chế độ, Chủ tịch Cheka Dzerzhinsky khẩn trương xúc tiến cuộc Đại trấn áp Đỏ.
Tờ báo Krasnaya Gazeta của phái Bolshevik vào ngày 1/9/1918 viết: “Chúng ta sẽ biến trái tim mình thành thép mà chúng ta đã tôi luyện trong ngọn lửa khổ đau và máu của các chiến binh tranh đấu vì tự do. Không thương tiếc, không tha thứ, chúng ta sẽ tiêu diệt kẻ thù, hàng trăm tên, hàng ngàn tên như vậy, buộc chúng phải đền tội, phải trả giá vì đã làm đổ máu của Lenin, Uritsky, Zinovief và Volodarski...”.
Vài tháng sau đó, tổng cộng khoảng 800 kẻ chống đối đã bị bắt và xử bắn.
Ngày 2/9/1918, các tờ báo Bolshevik đăng lên trang nhất của mình các âm mưu của tư sản Anh và Pháp trong việc tổ chức ám sát, khủng bố nhằm vào các đại diện của chính quyền Xô viết.
Năm 1921, thủy thủ ở pháo đài Kronstadt nổi loạn do sự xúi giục của phe Bạch vệ. Hồng quân Xô viết ra tay trấn áp cuộc nổi loạn này và Cheka tham gia xử lý các phần tử bị bắt sau đó.
Nhà cách mạng Bolshevik Lev Kamenev thừa nhận: “Không một giải pháp riêng lẻ nào của chính quyền Xô viết lại có thể tiến hành suôn sẻ được nếu thiếu sự trợ giúp của Cheka. Đây là ví dụ tiêu biểu nhất về kỷ luật cộng sản”.
Lãnh tụ của giai cấp vô sản - Vladimir Lenin, đã bảo vệ công tác của Felix Dzerzhinsky bằng việc công khai tuyên bố: “Điều khiến tôi ngạc nhiên là người ta cứ tru tréo về các khuyết điểm của Cheka mà không thể nhận ra vấn đề rộng lớn hơn. Tại sao người ta có thể quên những điều sơ đẳng nhất của chủ nghĩa Marx... Điều quan trọng là Cheka đang trực tiếp thực hành chuyên chính vô sản và về mặt này, vai trò của họ là vô giá”./.