Thanh kiếm và lá chắn
Lịch sử của KGB chính thức bắt đầu vào năm 1954, khi Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev tìm cách tạo ra một thể chế mới để thay thế cho NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ) – cơ quan hoạt động từ dưới thời lãnh tụ Joseph Stalin và giúp Stalin củng cố quyền lực vào cuối thập niên 1930.
Cơ quan KGB mới ra đời được xây dựng để chịu trách nhiệm trước ban lãnh đạo Liên Xô, cụ thể là Hội đồng Bộ trưởng (tức chính phủ) và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Mục đích chính thức của KGB được nêu ra là “bảo vệ nhà nước XHCN trước sự xâm phạm của kẻ thù bên ngoài và bên trong, và để bảo vệ biên giới nhà nước của Liên Xô”.
Trên thực tế, bộ máy an ninh mới được xây dựng trở thành “thanh kiếm và lá chắn” của Liên Xô của Đảng Cộng sản Liên Xô. Lý do cho sự tồn tại của KGB là bảo vệ Đảng Cộng sản Liên Xô, bảo đảm sự ổn định của hệ thống chính trị Liên Xô, trấn áp phe đối lập, thu thập tình báo, quản lý hoạt động phản gián ở Liên Xô, thực hiện các hoạt động ngầm ở nước ngoài, và bảo vệ biên giới Xô viết, v.v..
Các tổng cục và chi nhánh
Về mặt cơ cấu, KGB được tổ chức thành 10 tổng cục, 5 nhánh đặc biệt, và một vài phòng ban hành chính hỗ trợ công tác của các đơn vị nêu trước đó.
Mỗi cục, tổng cục có chuyên môn hẹp, phụ trách những mảng nhỏ của công tác an ninh.
Chẳng hạn, Cục VII có nhiệm vụ theo dõi. Các đặc vụ của cục này theo dõi các nhà ngoại giao nước ngoài, các vi khách nổi tiếng, và các quan chức nước ngoài có tiếng tăm ở bất cứ nơi nào họ tới trên lãnh thổ Liên Xô. Nói một cách ngắn gọn, Cục VII là tai mắt của KGB bên trong Liên Xô.
KGB nổi tiếng về các phương pháp rất sáng tạo trong việc nghe lén nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Moscow (Nga). Có lần, các nhân viên KGB đã chỉnh sửa máy đánh chữ được nhân viên đại sứ quán này sử dụng.
Jim Gosler – cựu trưởng vụ công nghệ thông tin mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã nghỉ hưu, bình luận: “Bên trong máy đánh chữ là một thanh nhôm có cấu trúc đi từ đầu này tới đầu kia của chiếc máy. Người Liên Xô đã tháo rời các máy đánh chữ này ra và thay thanh nhôm đó bằng một thanh khác có bề ngoài giống hệt. Các thiết bị điện tử mật đã được đặt bên trong thanh nhôm này. Mỗi cú gõ chữ trên máy chữ sẽ được lưu lại trong một vùng đệm nhỏ xinh bên trong thanh nhôm kia. Khi vùng đệm bị đầy, nội dung vùng đệm đó sẽ được truyền qua tín hiệu tần số vô tuyến điện tới một trạm nghe lén của Liên Xô ở gần đó”.
Đối với các nhà ngoại giao Mỹ, các máy đánh chữ bị gắn “rệp” theo dõi lén nói trên chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Toàn bộ tòa đại sứ quán đầy rẫy các thiết bị thu lén.
Khi người Nga xây dựng một đại sứ quán Mỹ mới ở Moscow vào cuối thập niên 1970, KGB đã cài vô số “rệp điện tử” vào tòa nhà ngay ở giai đoạn đặt gạch.
Ray Parrack – cựu nhân viên tình báo kỹ thuật tại CIA, nói: “Cách duy nhất để làm cho tòa nhà đó an toàn là phạt 3 tầng phía trên và xây lại, sử dụng nhân lực và vật liệu Mỹ được mang từ Mỹ sang”.
Trong khi đó, Tổng cục II phụ trách phản gián, Tổng cục VIII phụ trách mã hóa và mã thám, Tổng cục IX phụ trách bảo vệ các lãnh đạo đảng, Tổng cục IV lo bảo đảm ổn định chính trị của nhà nước Xô viết.
Tổng cục I đứng ở tuyến đầu trong cuộc Chiến tranh Lạnh của Liên Xô với phương Tây. Tổng cục này nổi tiếng với các mạng lưới điệp viên và các chiến dịch ngầm đầy mạo hiểm ở nước ngoài.
>> Xem thêm: Cheka - tiền thân của Bộ Nội vụ Liên Xô và KGB
Tuyến đầu
Cựu Giám đốc CIA Allen Dulles từng mô tả KGB là “hơn cả một tổ chức cảnh sát mật, hơn cả một tổ chức tình báo và phản gián”.
Trên thực tế, các điệp viên của KGB hoạt động ở nước ngoài khá hiệu quả và đã tác động lên được tiến trình Chiến tranh Lạnh theo nhiều cách.
Điệp viên KGB Bohdan Stashynsky được biết đến là đã trừ khử 2 phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine chống Liên Xô và ẩn nấp ở Tây Đức bằng một khẩu súng phun thuốc độc không để lại dấu vết nào về yếu tố ngoại lực gây tử vong cho nạn nhân.
Người ta đồn rằng KGB có thể đã giúp đỡ an ninh Bulgaria khử cây bút bất đồng chính kiến Georgi Markov - người đã đào tẩu khỏi quốc gia đồng minh của Liên Xô này vào năm 1978, bằng một vũ khí gây độc được ngụy trang như một chiếc ô.
KGB còn tham gia các chiến dịch quy mô lớn ở nước ngoài, trong đó có một hoạt động ngầm tấn công vào lâu đài Taijbeg được bảo vệ chặt chẽ ở Kabul (Afghanistan) nhằm thúc đẩy một sự thay đổi chế độ ở đây vào năm 1979.
Trước đó, KGB đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp phong trào nổi dậy Hungary vào năm 1956 thông qua việc bắt giữ một số nhà lãnh đạo của Hungary khi đó.
Vào thời kỳ đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, KGB quản lý các mạng lưới gián điệp và mạng lưới cơ sở ngầm ở mọi nơi trên thế giới.
KGB hoạt động tích cực cả ở trên lãnh thổ Mỹ, tuyển các sĩ quan quân đội cũng như nhân viên tình báo Mỹ nhằm thu lượm các bí mật quân sự của Mỹ, như trường hợp sĩ quan hải quân Mỹ John Anthony Walker Jr. và nhân viên CIA Aldrich Ames.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng số cơ sở ngầm làm việc cho KGB trong Chiến tranh Lạnh ở vào tầm hàng triệu người.
Kỷ nguyên KGB kết thúc cùng với sự sụp đổ của Liên Xô. KGB bị giải thể và được thay thế bằng Cơ quan An ninh Nga và Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga – hai cơ quan này kế thừa nhiều chức năng của KGB trước đây./.