Cơ hội ngàn vàng
Vào mùa thu năm 1919, các lực lượng chống Bolshevik gần như chiến thắng. Họ chỉ cách điện Kremlin (nơi Lenin và các lãnh tụ phong trào cộng sản Nga tá túc) có vài trăm kilomet.
Vào mùa hè năm 1919, ở đỉnh cao Nội chiến Nga, nước Cộng hòa Xô viết Nga non trẻ bị kẻ thù bao vây tứ bề. Ở Tây Bắc, Petrograd (nay là Saint Petersburg) bị tướng Nikolai Yudenich đe dọa. Ở phía Tây, lực lượng Bolshevik phải chiến đấu chống lại quân Ba Lan. Còn ở phía đông, quân cách mạng phải đương đầu với quân của Alexander Kolchak, kẻ đã được phe Bạch vệ (tức lực lượng phản cách mạng) tôn lên làm Người cai trị Tối cao của nước Nga. Ở miền Nam, Hồng quân vấp phải các Lực lượng vũ trang miền Nam Nga (AFSR) dưới sự chỉ huy của Anton Denikin, người quyết định sẽ chấm dứt chế độ Bolshevik bằng một đòn đánh quyết định (chiếm Moscow).
Denikin ký Sắc lệnh số 08878 ra lệnh “tiến đánh Moscow” vào ngày 3/7/1919, một vài ngày sau khi chiếm được thành phố Tsaritsyn (sau này là Stalingrad) – một trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông vận tải trên sông Volga.
Các thành công của quân đội ông ta vào mùa xuân, cũng như các cuộc nổi dậy quy mô lớn của người Cozak và nông dân chống lại chế độ Xô viết, tạo cơ sở để xây dựng bàn đạp ở miền Nam nước Nga cho việc mở một cuộc tấn công ở miền Trung.
Trong một cuốn hồi ký của mình, Denikin viết: “Moscow dĩ nhiên là một biểu tượng. Mọi người mơ ước về việc tiến quân về Moscow và mọi người có hy vọng”.
Trên thực tế, không phải tất cả các thủ lĩnh Bạch vệ đều lạc quan như vậy. Tư lệnh của đội quân Kavkaz, tướng Pyotr Wrangel, tin rằng các lực lượng nhỏ của AFSR (với quân số chỉ 60.000 người) chưa đủ lực cho một chiến dịch như vậy và lẽ ra nên củng cố vị trí của mình và đoàn kết với Kolchak – các đội quân bị đánh bại của ông ta vào lúc đó đang rút lui bên ngoài dãy núi Ural. Nhiều năm sau đó, khi đã lưu vong, ông miêu tả “sắc lệnh thiếu năng lực về quân sự” là “một bản án tử hình cho các đội quân Nam Nga”.
Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra cuộc tiến công nhanh chóng do AFSR tiến hành vào mùa hè và mùa thu năm 1919, Poltava, Odessa, Kiev, Voronezh, và Oryol đã bị chiếm giữ. Các cuộc tuần tra của lực lượng Cozak Bạch vệ đã xuất hiện ở tỉnh Tula, cách Moscow chỉ từ 250-300km. Sau khi đột phá qua lưng Phương diện quân phía Nam của Hồng quân, Lực lượng Kỵ binh Thứ 4 ở sông Đông dưới quyền chỉ huy của tướng Konstantin Mamontov trong hơn một tháng đã gieo rắc bao kinh hoàng và hỗn loạn, đốt các nhà kho, chiếm vũ khí đạn dược.
Phe cách mạng gặp nguy thực sự
Được tăng cường thêm binh lính từ các vùng lãnh thổ chiếm được, AFSR giờ có 150.000 quân trong hàng ngũ của mình. Khoảng 70.000 lính trong số đó tiến tới Moscow, nơi lực lượng phòng thủ có hơn 115.000 lính nhưng kém họ về huấn luyện chiến đấu. Thêm nữa, Hồng quân đã bị mất tinh thần đáng kể do một chuỗi dài các thất bại.
Tại Moscow, Lenin tuyên bố “Dồn tất cả lực lượng cho cuộc chiến chống Denikin!”, cảnh báo đây là “một trong các thời điểm cam go, hệ trọng nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Với tư cách là Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang của Cộng hòa Xô viết, Sergei Kamenev viết như sau trong hồi ký của mình các năm sau đó: “Tôi không thể nhớ một tình huống nào khó khăn hơn thế trong toàn bộ cuộc Nội chiến”.
Ngoài ra, vào đầu tháng 10, tin tức đáng lo ngại bay về từ Petrograd. Tại thành phố này, Đội quân Tây Bắc của tướng Yudenich, nhằm hỗ trợ cuộc tấn công của Denikin ở miền nam, đã cùng với quân Estonia và hạm đội Anh, mở chiến dịch Bạch Kiếm để chiếm lấy thủ đô cũ của Đế chế Nga.
Gió đổi chiều
Tuy nhiên, vào giữa tháng 10, cuộc tấn công của Denikin bắt đầu kiệt sức. Sau khi chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn từ Biển Azov tới thành phố Oryol, quân Bạch vệ không có đủ lực lượng để kiểm soát hiệu quả các nơi đó. Kết quả là, ở Đông Nam Ukraine, Quân đội Nổi dậy Cách mạng của nhân vật vô chính phủ Nestor Makhno bất thình lình đột phá qua các vị trí đã suy yếu của AFSR và tiến dần tới Taganrog, nơi đặt đại bản doanh của tướng Denikin. Vào thời khắc quyết định nhất trong cuộc tiến công của Bạch vệ vào Moscow, một số trung đoàn đã được rút khỏi mặt trận để cứu tình hình ở hậu cứ.
Trong lúc phe Bạch vệ bị tổn thất về người, bên phe Bolshevik lại có thêm lực lượng. Sự giúp đỡ bất ngờ dành cho phe Bolshevik đến từ mặt trận Ba Lan. Nguyên tắc một “nước Nga duy nhất, không chia cắt” mà Denikin cùng các thủ lĩnh khác của phong trào Bạch vệ cổ xúy, không phù hợp với tư tưởng hồi sinh dân tộc Ba Lan. Nhà lãnh đạo Ba Lan Józef Piłsudski đã kinh sợ theo dõi các thành công của Lực lượng vũ trang Nam Nga. Mặc dù quân đội Ba Lan đã có bước tiến tốt ở Byelorussia, vào tháng 9/1919, ông Piłsudski bất ngờ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời với phe Bolshevik, theo đó cho phép phe Bolshevik đưa hàng chục ngàn binh sĩ tới Moscow.
Sau khi chiến đấu dữ dội để giành giật Oryol vào giữa tháng 10 năm đó, lực lượng Phương diện quân phía Nam của Hồng quân đã mở một cuộc phản công quy mô lớn. Bất chấp lợi thế về số lượng của Hồng quân, phe Bạch vệ vẫn xoay sở được để rút lui một cách trật tự, tránh bị bao vây, và tiến hành phản kích đối phương.
Các đội quân của Bạch vệ bị đánh bại cả ở miền Nam và miền Bắc. Vào tháng 11, Yudenich bị đánh bại ở Petrograd. Cuộc rút lui có trật tự của AFSR dần dần biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn kèm với việc đào ngũ hàng loạt. Tuyến phòng ngự cuối cùng của phe Bạch vệ ở miền nam là Crimea, nơi họ cầm cự đến tháng 11/1920.
Phong trào Bạch vệ sau đó không còn thêm bất cứ cơ hội nào để uy hiếp lực lượng Bolshevik nữa như họ từng có gần Moscow vào tháng 10/1919./.