Sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar vào tháng 2/2021, đội quân Arakan thúc đẩy thực thi “Con đường Rakhita”. Dù ủng hộ phong trào biểu tình trên toàn quốc, nhóm vũ trang này vẫn tương đối im hơi lặng tiếng kể từ sau đảo chính.
Vào ngày 11/3/2021, đúng 39 ngày sau khi giành chính quyền từ tay chính phủ dân sự, quân đội Myanmar đã đưa tổ chức “Đội quân Arakan” (AA) ra khỏi danh sách khủng bố. AA là một tổ chức vũ trang dân tộc thiểu số ở bang Rakhine nằm về cực Tây của Myanmar. AA đã tham gia vào xung đột vũ trang trong suốt 2 năm qua.
Trong khi nhiều người tộc Rakhine hoan nghênh động thái trên của quân đội Myanmar, nhiều thuộc dân tộc Bamar đa số lại tố cáo AA là hợp tác với chính quyền quân sự và đổ lỗi lên đầu người Rakhine. Phản ứng này cho thấy mối quan hệ bất hòa kéo dài giữa các dân tộc thiểu số sống ở các khu vực biên giới với dân tộc đa số Bamar ở các khu vực trung tâm.
Đối thủ quân sự số 1 của quân đội Myanmar
Đội quân Arakan là một trong các tổ chức vũ trang dân tộc chiến đấu cho quyền tự quyết, và cùng với đó là sự bình đẳng, công lý, và tự do. Giới phân tích mô tả cuộc chiến giữa Đội quân Arakan và quân đội chính quy quốc gia của Myanmar (còn gọi là Tatmadaw) là dữ dội nhất ở đất nước Đông Nam Á này trong các thập kỷ qua. Riêng 2 năm qua, hơn 230.000 dân thường đã phải thay đổi chỗ ở, trong khi gần 1.000 người bị thương nặng hoặc thiệt mạng do pháo kích, súng bắn, hoặc mìn nổ, trong số này có hơn 170 trẻ em.
Tình hình tệ hơn trong suốt gần như toàn bộ năm 2020. Hồi tháng 3/2020, chính quyền của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã xếp AA vào nhóm các tổ chức khủng bố. Đến tháng 8/2020, chính quyền này đã loại AA khỏi các cuộc hòa đàm quốc gia. Chính phủ NLD cũng duy trì lệnh ngắt internet dài nhất thế giới, ảnh hưởng đến hơn 1 triệu người sống ở các bang Rakhine và Chin kể từ tháng 6/2019.
Quân đội Myanmar công bố lệnh ngừng bắn đơn phương trên khắp đất nước bắt đầu từ tháng 5/2020 để dồn lực chống dịch bệnh Covid-19, nhưng lệnh ngừng bắn này loại trừ nhóm AA. Căng thẳng gia tăng khi chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử, một ủy ban bầu cử do chính phủ chỉ định công bố hàng loạt lệnh hủy, với cái cớ là do xung đột, tước bỏ quyền bỏ phiếu của khoảng 3/4 số cử tri hợp lệ tại bang Rakhine.
Trong cộng đồng dân Rakhine, việc hủy bỏ nói trên đã tăng thêm cảm xúc tiêu cực rộng khắp đối với chính phủ NLD cũng như làm gia tăng sự ủng hộ dành cho tổ chức AA. Nhiều người Rakhine cảm nhận rằng chính phủ mới được bầu ra là bất hợp pháp.
Bất ngờ đồng quan điểm với quân đội Myanmar trong vấn đề bầu cử
Trên thực tế, chiến sự đã tạm ngừng từ ngày 12/11/2020 khi AA ra tuyên bố nói rằng họ muốn tổ chức bầu cử ở những khu vực bị hủy bầu cử. Đề xuất này nhận được sự hoan nghênh công khai từ phía quân đội Myanmar. Sau đó đã có một số cuộc gặp giữa AA và Tatmadaw. Phát ngôn viên Khine Thu Kha của AA cho hay, sau một cuộc gặp trực tiếp vào đầu tháng 12/2020, Đội quân Arakan và quân đội Myanmar đã thảo luận việc “đảm bảo ngừng bắn từ cả hai phía”.
Kể từ sau đảo chính đến nay, tình hình chiến sự tại bang Rakhine khá yên ắng. Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) của chính quyền quân sự có vẻ như đang làm việc theo hướng mang lại thuận lợi cho AA và người dân Rakhine. Vào ngày 2/2/2021, SAC dỡ bỏ lệnh cấm internet, và vào ngày 13/2 thả tự do cho chính trị gia dân tộc Rakhine, Tiến sĩ Aye Maung, cùng nhà văn Rakhine, Wai Han Aung, - hai tù nhân chính trị nổi bật.
Chính sách nói trên của quân đội Myanmar đã tạo ra một số tình huống căng thẳng trong nội bộ xã hội Rakhine.
Ngay sau đảo chính, chính quyền quân sự đã mời Đảng Quốc gia Arakan – chính đảng dân tộc Rakhine lớn nhất, nhận lấy một ghế trong SAC. Quân đội Myanmar cũng đưa ra đề xuất tương tự với các đảng dân tộc khác.
Dù nhiều đảng phái phản đối đề xuất trên, Đảng Quốc gia Arakan lại chấp nhận. Vào ngày 7/2, 47 nhóm dân sự Rakhine đã ra tuyên bố chung hối thúc Đảng Quốc gia Arakan hãy đảo ngược quyết định của họ.
Giằng xé bên trong phong trào Arakan
So với ở những vùng khác của đất nước, công chúng Rakhine đã hơi chậm lên tiếng phản đối sự trấn áp của quân đội quốc gia đối với những người biểu tình. Tuy nhiên vào ngày 21/3, 77 nhóm xã hội dân sự có trụ sở ở Rakhine đã ra thông cáo hối thúc các lực lượng của chính quyền quân sự hãy ngừng sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình, đồng thời thả tất cả những người mà họ bắt giữ kể từ cuộc đảo chính quân sự. Hai ngày sau đó, phát ngôn viên của AA nói với hãng tin Reuters rằng “điều đáng buồn lớn là những người vô tội đang bị bắn chết trên khắp Myanmar” và rằng AA “sát cánh với người dân”.
Vào ngày 30/3, “Liên minh Ba Anh em” gồm AA, Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng dân tộc Ta’ang (TNLA) cùng ra một thông cáo cảnh báo rằng nếu quân đội Myanmar (tức Tatmadaw) không lập tức ngừng trấn áp những người biểu tình hòa bình hoặc hướng tới các giải pháp chính trị mà công chúng đòi hỏi thì liên minh này sẽ “ủng hộ và hợp tác với các anh em bị áp bức của chúng tôi và các dân tộc khác nhau đang phát động Cách mạng Mùa Xuân Myanmar để tự vệ trước Quân đội Myanmar”.
Liên minh này đã cùng tấn công một đồn cảnh sát ở thị trấn Lashio của bang Shan vào ngày 10/4, giết chết vài viên cảnh sát. Cuộc tấn công xảy ra vào ngày này sau khi lực lượng chính quyền quân sự bị tố bắn súng phóng lựu vào người biểu tình ở thành phố miền trung Bago, khiến ít nhất 82 người chết.
AA và khát vọng “ra ở riêng”
Một số nhà phân tích đã đặt dấu hỏi lên sự yên lặng hồi đầu của AA sau đảo chính. Họ băn khoăn liệu AA có ý định đàm phán với SAC để tìm kiếm thêm lãnh thổ hay sự nhượng bộ khác ở bang Rakhine. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy.
Mặc dù AA công khai yên lặng trong gần 2 tháng sau cuộc đảo chính, các nguồn tin tại bang Rakhine cho hay trước khi AA lên tiếng, lực lượng binh sĩ của họ đã cộng tác với các đồng minh ở miền bắc (trong đó có Quân đội Độc lập Kachin) để tấn công lại quân đội Myanmar.
Tham vọng đạt được một “Giấc mơ Arakan 2020” cần được tính đến trong việc phân tích cách tiếp cận hiện nay của AA. AA có lẽ đang nỗ lực tự đạt được mục tiêu này, tận dụng các cố gắng của họ trong 2 năm qua. Khái niệm Giấc mơ Arakan xuất hiện vào đầu năm 2017, chứa đựng ý tưởng về việc thiết lập một chính quyền nhân dân Rakhine để quản lý bang Rakhine.
Trong một bài phát biểu vào tháng 4/2020, Tổng tư lệnh AA - Twan Mrat Naing, cũng nói về khái niệm “Con đường Rakhita” mà ông này miêu tả là “cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khôi phục chủ quyền Arakan cho người dân Arakan”.
Hồi tháng 12/2019, Twan Mrat Naing tái khẳng định kế hoạch thiết lập một chính quyền nhân dân. Ông này cũng nói rằng AA sẽ khởi động thu thuế từ các chủ dự án lớn vào năm 2020, ở các khu vực thuộc bang Rakhine và bang Chin nằm dưới quyền kiểm soát của họ. AA cũng bắt đầu thu thuế từ các doanh nghiệp địa phương vào đầu năm 2020. Vào cuối năm 2002, việc thu thuế này mang tính hệ thống,
Dân địa phương và các nhà quản lý địa phương cho hay, vào đầu tháng 11/2020, AA đã giới thiệu một bộ luật hành chính khu vực tạm thời ở một số nơi thuộc bang Rakhine. Một trưởng làng ở Mrauk-U cho hay, AA hiện đang quản trị hầu hết bang Rakhine và thực hiện chế độ pháp quyền của riêng mình.
Hôm 11/4/2021, nhân kỷ niệm 12 năm sự ra đời của AA, Tổng tư lệnh Twan Mrat Naing viết trong một thông cáo nói rằng AA không muốn có phong trào bất tuân dân sự và các cuộc biểu tình đường phố vì họ đã có “con đường Rakhita” và có một “mục tiêu chính trị rõ ràng”.
Twan Mrat Naing cho biết, trong “thời kỳ cách mạng đầu”, AA chủ yếu dựa vào việc cơ động và hoạt động chiến tranh để đạt các mục tiêu chính trị của mình, nhưng giờ đã đến lúc “thực hiện cơ chế quản trị với các thể chế mạnh về vấn đề hành chính công, trong đó có hành chính, tư pháp, và trật tự an toàn xã hội”.
Một lý do khác nữa có thể khiến AA im lặng trong giai đoạn đầu sau đảo chính, đó là tổ chức này có thể mong chờ việc chính quyền thả hơn 600 chính trị phạm, bao gồm các anh chị em của Tổng tư lệnh AA Twan Mrat Naing. Các tù nhân này bị bắt dưới thời NLD dựa trên luật chống khủng bố của nước này.
Cũng có người ở bang Rakhine tham gia phong trào biểu tình quốc gia hậu đảo chính nhưng nhìn chung số lượng này là tương đối ít.
Các dân tộc thiểu số ở Rakhine đã chịu nhiều khổ đau nên họ sẽ phải cân nhắc kỹ về việc có tham gia biểu tình hay không. Hiện có hàng chục ngàn người Rakhine bị lưu lạc do nội chiến, nhiều người bị thương hoặc tử vong do bom mìn trong lòng đất.
Trong các tuần gầy đây, Tatmadaw đã và đang điều quân tới bang Rakhine, theo cơ quan truyền thông Khit Thit có trụ sở ở Yangon. Nhiều cư dân bang này đang ngày càng lo âu về khả năng nổ ra các cuộc giao chiến dữ dội mới trong khu vực. Trong bối cảnh đó, dù nhiều người dân Rakhine ủng hộ việc thành lập một chính phủ thống nhất quốc gia và một quân đội liên bang để đánh bại chính quyền quân sự, người dân ở bang này trước tiên vẫn phải tính đến phương án bảo đảm sự sống còn của họ đã./.