Chế độ quân sự được tái lập ở Myanmar sau cuộc đảo chính vào ngày 1/2/2021. Cũng từ đây, các doanh nghiệp đang hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này bị chia rẽ về cách thức phản ứng với chế độ mới.

Doanh nghiệp phương Tây lên tiếng mạnh mẽ

Các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài như các phòng thương mại của châu Âu, Mỹ, Anh, Italy, và Pháp đều không hưởng ứng lại lời mời của chính quyền quân sự tới dự một cuộc gặp với họ vào ngày 4/3. Trong khi đó, các tập đoàn thương mại lớn của châu Á như của các nước Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) chưa công bố thông cáo về cuộc đảo chính và cách chính quyền xử lý những người biểu tình phản đối sau đó.

Theo tổ chức theo dõi độc lập AAPP, tính đến nay đã có hơn 60 người biểu tình bị chết khi đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar. Riêng ở Yangon (thủ đô kinh tế của Myanmar), người ta chứng kiến ít nhất 32 trường hợp tử vong trong biểu tình.

Trước thực trạng đó, Phòng thương mại Australia tại Myanmar hôm 9/3 nói rằng họ “quan ngại sâu sắc về sự gia tăng sử dụng bạo lực chống lại những người vận động khôi phục chính quyền dân chủ ở Myanmar”.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có liên doanh với hai doanh nghiệp của quân đội Myanmar là MEHL và MEC. Riêng hãng bia Nhật Bản Kirin thì đã rút khỏi liên doanh với MEC kể từ khi nổ ra đảo chính.

Quan điểm của doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ

Một nhà báo chuyên về Myanmar cho biết: “Nhân viên các ngân hàng tư nhân tham gia phong trào Bất tuân Dân sự - phong trào này đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống ngân hàng, không chỉ các ngân hàng thuộc quản lý của quân đội”.

Nhiều doanh nghiệp địa phương công khai ủng hộ phong trào phản đối quân đội. Trong số này có nhà bán lẻ hàng đầu City Mart, hãng này gần đây đã trả lại số bia (đồ uống) do quân đội Myanmar sản xuất và đã lưu kho. Từ đó, hãng này từ chối nhập bia do quân đội nước này sản xuất.

Những nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ quy mô nhỏ cũng từ chối bán hàng cho các thương hiệu quân sự còn nhiều chủ doanh nghiệp lại tìm cách để cho công nhân có thể tham gia phong trào Bất tuân Dân sự.

Cộng đồng doanh nghiệp phản đối mạnh mẽ dự luật an ninh mạng hà khắc vì cho rằng luật này sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của họ ở Myanmar.

Liên đoàn Máy tính Myanmar cùng một số phòng thương mại nước ngoài đã ra thông cáo chỉ trích luật này.

Vicky Bowman – Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Có trách nhiệm ở Yangon, nói: “Kinh doanh có trách nhiệm, thì sẽ hưởng lợi từ nền dân chủ... Ở đâu càng thiếu tự do ngôn luận, ở đó càng có tham nhũng và những hành động tiêu cực trong thương mại”.

Lĩnh vực viễn thông

Các hãng viễn thông nước ngoài ngày càng bị kẹt trong cuộc chiến giữa 2 phe quân sự và dân sự.

Telenor – một hãng viễn thông có trụ sở ở Na Uy và đang làm ăn ở Myanmar, trước đó đều đặn cập nhật cho khách hàng của mình về các chỉ thị của quân đội đối với việc ngắt internet từ ngày 1/2.

Tuy nhiên, vào hôm 14/2 hãng nãy thông báo rằng họ sẽ không còn có thể tiết lộ các chỉ thị mà họ nhận được từ giới chức.

Công ty này ra thông báo vào hôm 5/3 nói rằng họ “lấy làm tiếc về các gián đoạn gần đây xảy ra với tất cả khách hàng viễn thông ở Myanmar” và rằng họ không thể cung cấp các thông báo trước cho khách hàng.

Hiện tượng tẩy chay khối doanh nghiệp hợp tác với chính quyền quân sự

Hơn 160 công ty, bao gồm 115 hãng địa phương và 47 hãng quốc tế bao gồm các công ty đa quốc gia như Coca-Cola, Facebook, Telenor và Heineken, đã ký vào một thông cáo chung bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc ngày càng gia tăng về những diễn biến ở Myanmar kể từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 1/2”.

Bà Vicky Bowman nói: “Các nhà tuyển dụng nên bảo đảm rằng họ bảo vệ quyền tự do dân sự của nhân viên. Nếu người lao động muốn thực hiện quyền tự do hội họp và bày tỏ ý kiến thì họ nên được phép làm vậy, được nghỉ phép không lương hoặc có lương”.

Trong lúc đó, Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp của Liên bang Myanmar (UMFCCI) tiếp tục hợp tác với chế độ.

Các nhà lãnh đạo của UMFCCI đã gặp chính quyền quân sự chỉ 2 ngày sau đảo chính.

Trên mạng Facebook, các công dân mạng đã kêu gọi công chúng tẩy chay các lãnh đạo và các doanh nghiệp của UMFCCI.

Trên đường phố, các doanh nghiệp lớn thân chính phủ cũng chịu sức ép lớn từ người biểu tình.

Một người biểu tình tên Ma Thae nói: “Các doanh nghiệp nên có quan điểm cứng rắn về những sự bất công. Nếu họ không đứng về phía người dân thì doanh nghiệp của họ sẽ đối mặt với trừng phạt xã hội của người dân... Các doanh nghiệp cần hiểu rằng bị khách hàng tẩy chay là cái giá cao hơn nhiều so với việc duy trì quan hệ tốt với các tướng lĩnh”./.