Sáng 1/2, cả đương kim Tổng thống dân sự Myanmar Win Myint, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng một số nhà lãnh đạo khác trong đảng cầm quyền Myanmar, đã bị quân đội nước này bắt giữ. Quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp, trao chính quyền cho Tổng tư lệnh quân đội - tướng Min Aung Hlaing. Đài truyền hình quân đội Myanmar tuyên bố, quân đội sẽ nắm quyền lực như vậy trong một năm.

Dựa trên các dấu hiệu này thì có thể khẳng định đây là một cuộc đảo chính trong đó quân đội đã tước bỏ quyền lực của chính quyền dân sự. Có thêm các dấu hiệu phụ như hệ thống điện thoại hữu tuyến và di động cũng như mạng internet đã bị gián đoạn nhất định ở một số thành phố lớn của Myanmar. Đài truyền hình nhà nước (ngoại trừ đài truyền hình quân đội) không phát sóng được.

Từ trước hôm 1/2, xe tăng đã xuất hiện trên đường phố Yangon và có những đồn đoán về khả năng quân đội sẽ tiến hành đảo chính. Quân đội Myanmar vốn không hài lòng về kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 khi họ cho rằng cuộc bầu cử có gian lận và ủy ban bầu cử Myanmar vẫn chưa cho họ kiểm tra chéo danh sách cử tri. Bản thân phát ngôn viên quân đội Myanmar cũng tuyên bố rằng họ không loại trừ khả năng sẽ có đảo chính.

Tương tự ở Thái Lan, quân đội ở Myanmar có vị thế đặc biệt và rất hay chấp chính. Tại Thái Lan, quân đội đã nhiều lần làm đảo chính và thiết lập chính quyền quân sự lâm thời. Trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, quân đội Myanmar không thực hiện nhiều cuộc đảo chính như Thái Lan nhưng thời gian họ nắm giữ chính quyền nhà nước lại kéo rất dài. Sau khi tiến hành đảo chính vào năm 1962, quân đội Myanmar đã duy trì chính quyền quân sự suốt từ năm đó đến năm 2011. Quân đội Myanmar không muốn đơn thuần làm công cụ bạo lực của nhà nước hoặc của một chính đảng nào đó. Họ luôn muốn tham chính và trở thành một thế lực chính trị độc lập.

Và đến đầu năm 2021 - chỉ 10 năm sau cuộc chuyển giao chính quyền sang chế độ dân sự, quân đội Myanmar lại trực tiếp ra tay để trực tiếp kiểm soát chính quyền một lần nữa.

Chính biến 1/2 xảy ra vào đúng thời điểm quốc hội Myanmar chuẩn bị họp sau khi có kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020. Chính quyền dân sự mới sau cuộc bầu cử này dự kiến sẽ tiến hành các cải cách dân chủ sâu rộng, thu hẹp dần quyền lực và tầm ảnh hưởng của quân đội Myanmar trong quốc gia này. Nhưng một chính quyền cải cách như thế đã bị tước quyền ngay từ trong trứng nước. Quân đội Myanmar đã hành động trước một bước.

Thật ra ngay cả giai đoạn từ năm 2011 đến trước ngày 1/2/2021, quân đội Myanmar vẫn có sức chi phối rất mạnh trong nền chính trị của quốc gia Đông Nam Á này. Sau cuộc bầu cử năm 2011, chính quyền được trao cho phe dân sự nhưng quyền lực đó không ở mức tuyệt đối và quân đội Myanmar vẫn nắm thực quyền, luôn đứng phía sau tác động.

Cụ thể, bản Hiến pháp hiện nay của Myanmar có từ năm 2008 là do chính quân đội Myanmar viết lên (tất nhiên nó đã được đưa ra “trưng cầu dân ý” trước khi trở thành chính thức và có hiệu lực). Hiến pháp chứa đựng những quy định có lợi rõ ràng cho quân đội Myanmar, giúp họ tiếp tục gây ảnh hưởng lên nền chính trị Myanmar. Ví dụ, hiến pháp này cho phép quân đội Myanmar hưởng sẵn 25% số ghế trong quốc hội (không cần qua bầu cử), đồng thời cho phép họ cử sĩ quan của mình đứng đầu bộ nội vụ, bộ các vấn đề biên giới, và bộ quốc phòng. Không những vậy, Hiến pháp Myanmar 2008 còn trao quyền cho quân đội tiếp quản chính quyền trong các hoàn cảnh đặc biệt – đây có thể xem như “hành lang pháp lý” để quân đội thực hiện đảo chính với những cái cớ do họ viện dẫn.

Trong tháng 1/2021, tướng Min Aung Hlaing – người vừa nắm mọi quyền bính ở Myanmar từ sáng 1/2, cũng đã tuyên bố rằng Hiến pháp 2008 có thể bị “thu hồi” trong những hoàn cảnh nhất định. Như vậy, quân đội Myanmar không chỉ nắm lấy chính quyền từ ngày 1/2/2021 mà còn có thể sẽ hủy bỏ nốt Hiến pháp 2008 và thay thế nó bằng một phiên bản mới trong thời gian sắp tới, bảo đảm lợi ích tối đa cho giới quân sự nước này./.