Trong lúc các nỗ lực nhằm khôi phục hòa đàm bị bế tắc, phe đối lập vẫn tăng cường pháo kích vào sân bay hiện đang nằm trong sự kiểm soát lỏng lẻo của quân đội chính phủ.
Mặc dù các đường băng có nhiều hố bom và từ lâu không còn hoạt động, nhưng sân bay ở Donetsk vẫn có giá trị biểu tượng đối với cả hai bên và trở thành điểm nóng chính trong cuộc xung đột Ukraine.
Ngày 16/1 vừa qua, cuộc họp giữa đại diện của Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và lãnh đạo phe đối lập Ucaina đã không thể diễn ra theo kế hoạch tại Minsk, thủ đô Belarus.
Cuộc họp với tên gọi “Nhóm Tiếp xúc” được xem là rất quan trọng để đưa các bên hiện thực hóa lệnh ngừng bắn. Cuộc xung đột kéo dài 9 tháng qua tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng của 4.800 người.
Trong khi đó, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hệ thống y tế tại Ukraine đang có nguy cơ sụp đổ và việc tiếp cận với dịch vụ y tế trở nên khó khăn hơn đối với những người dân sống trong các khu vực chiến sự.
Các chuyên gia của WHO cho biết, có hơn 5,1 triệu người đang cần sự giúp đỡ trong bối cảnh bạo lực leo thang tại miền đông Ukraine. Trong số này có 1,4 triệu người dễ bị tổn thương và cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ, đại diện của WHO tại Ukraine Dorit Nitzan nhấn mạnh, việc tiếp cận với dịch vụ y tế trở nên cực kỳ khó khăn tại các thành phố Donetsk và Lugansk do liên tục xảy ra các vụ giao tranh và pháo kích giữa quân chính phủ và phe đối lập.
“Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng, hệ thống y tế tại Ukraine vốn đã tồn tại nhiều yếu kém. Hiện nay, hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, đặc biệt là tại các khu vực phía Đông, trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn. Tại Lugansk và Donetsk, người dân đang lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn nghiêm trọng các nhu yếu phẩm cần thiết do không nhận được sự hỗ trợ trong nhiều ngày qua”, bà Nitzan nói.
Bà Nitzan cho biết, các bệnh viện trong các thành phố do phe đối lập kiểm soát đang thiếu thuốc men nghiêm trọng, bên cạnh việc thiếu điện, nước và lương thực. Tính mạng của nhiều trẻ em đang bị đe dọa do thiếu vắc xin phòng bệnh, trong khi đó các bệnh nhân mắc lao phổi hay nhiễm HIV không được nhận đầy đủ thuốc điều trị.
Hiện tại, WHO đang nỗ lực làm việc để giúp đỡ những người cần viện trợ nhân đạo tại miền đông Ukraine./.