Đó là vụ tấn công xe buýt làm 12 người chết, giao tranh ác liệt tại sân bay Donetsk và sự đổ vỡ của kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh bốn bên tại Kazakhstan.

Thất bại về ngoại giao và chiến sự leo thang đang đẩy Ukraine rơi cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ cuộc chiến tranh Balkan trong thập niên 90 của thế kỷ trước. 

chien_su_kett.jpgDonbass bên bờ vực chiến sự (ảnh: Reuters)
Vụ tấn công đẫm máu nhằm vào xe buýt chở khách mà các bên ở Ukraine đổ lỗi cho nhau khiến các nhà lãnh đạo Đức, Pháp kêu gọi phải mau chóng tiến hành cuộc họp của nhóm Tiếp xúc nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn hữu hiệu hơn so với Thỏa thuận Hòa bình Minsk.

Thỏa thuận Minsk gồm 12 điểm được ký kết vào tháng 9/2014 nhưng lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm với các vụ giao tranh diễn ra không ngừng giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe đối lập.

Chính quyền Ukraine cho biết, lệnh ngừng bắn Minsk chỉ có hiệu lực “trên giấy” bởi từ đó đến nay đã có 129 dân thường và hơn 200 binh sỹ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Mỗi ngày diễn ra hàng chục vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà "điểm nóng" chính là khu vực sân bay Donetsk. Tổng thống Ukraine Poroshenko vừa ký sắc lệnh tổng động viên ít nhất 50.000 người trong lực lượng dự bị của nước này.

Thỏa thuận Minsk bị vi phạm chính là lý do khiến kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh 4 bên gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp vào đầu tuần qua bị đổ vỡ. Các quan chức Ukraine hôm qua cho biết, mọi hi vọng đang trông đợi vào vòng đàm phán mới của nhóm Tiếp xúc gồm Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có thể diễn ra trong vài ngày tới. Văn phòng Thủ tướng Đức ra tuyên bố, cuộc họp của Nhóm tiếp xúc sẽ tạo nên “bước đi quan trọng tiếp theo”.

Trong khi đó, theo Hãng thông tấn Tass của Nga thì, cuộc họp này sẽ diễn ra tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày mai (16/1). Trưởng đoàn đàm phán nước cộng hòa tự xưng Donetsk Denis Pushilin hôm nay lên đường đến Minsk dự cuộc họp.

Đại diện đàm phán của nước Cộng hòa tự xưng Lugansk Vladislav Deinego cho biết, chương trình nghị sự của cuộc họp bao gồm 4 vấn đề đã được đề cập trước đây gồm rút pháo binh, hệ thống rocket ra khỏi giới tuyến ở vùng chiến sự Donbass, trao đổi tù binh, bãi bỏ lệnh phong tỏa kinh tế đối với vùng Donbass và thực thi đạo luật quy chế đặc biệt dành cho vùng Donbass. 

Với tư cách nhà trung gian trong cuộc xung đột Ukraine, Thủ tướng Đức Merkel kêu gọi Nga hợp tác và cho rằng, Hội nghị 4 bên tại Kazakhstan giữa Ukraine, Pháp, Nga, Đức vẫn có thể diễn ra: “Chúng tôi muốn sự hợp tác chính trị với Nga. An ninh của châu Âu luôn được đảm bảo tốt hơn nếu Nga và châu Âu phối hợp làm việc với nhau. Hội nghị 4 bên về tình hình Ukraine vẫn có thể diễn ra nếu chúng ta thấy có những tiến triển và có đủ hi vọng để tổ chức Hội nghị đó. Tuy Hội nghị 4 bên chưa diễn ra nhưng chúng ta cần nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Tôi không rõ thời gian bao lâu có thể tổ chức hội nghị bởi điều đó phụ thuộc vào các bên liên quan”.

Khi hội nghị 4 bên chưa biết bao giờ được tổ chức thì mọi trông đợi đang dồn vào cuộc họp của nhóm Tiếp xúc với hi vọng đạt được một lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực hơn./.