Hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh bốn bên tại Kazakhstan nhằm nhanh chóng tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine đã đổ vỡ với lý do chính là "chưa đủ điều kiện" cho một cuộc gặp như vậy.

Có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề thực chất là sự đối đầu quan điểm giữa Nga và phương Tây. Trong bối cảnh Nga đang bị chi phối phần nào vì nguy cơ suy thoái kinh tế, thì Liên minh châu Âu thực hiện “kẻ đấm người xoa” khi một số đối tác tuyên bố có thể sẽ dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Nga. 

ngoaitruong_igdw_uqug.jpg Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải), Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin (thứ 2, trái) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trước cuộc họp tại Berlin, ngày 17/8/2014. (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Đức, Pháp, Ukraine và Nga đã có cuộc gặp kéo dài gần 4 giờ đồng hồ tại Berlin ngày 12/1 để thảo luận về khả năng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên tại Kazakhstan theo đề xuất của Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier cho biết, cuộc thảo luận đã diễn ra cởi mở, song thời điểm hiện tại chưa hội đủ các điều kiện để tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy. Ông Walter Steinmeier nhấn mạnh các nỗ lực từ đầu năm mới nhằm cứu vãn tình hình Ukraine và bầu không khí căng thẳng Nga-phương Tây là yếu tố rất quan trọng để gỡ nút thắt cho bài toán xung đột đã kéo dài gần 1 năm qua tại miền Đông Ukraine.

Song ông Walter Steinmeier cũng thừa nhận rằng sự khác biệt quan điểm giữa các bên đã cho thấy rõ những khó khăn để có thể đạt được những tiến triển thực sự trong vấn đề Ukraine. Ngoại Đức cho biết ông và những người đồng cấp Nga, Ukraine và Pháp có thể sẽ tiếp tục gặp nhau trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang cố gắng thêm một lần nữa để tìm một giải pháp chính trị. Đó là lý do tại sao tôi mời những đồng nghiệp từ Pháp, Ukraine và Nga tới Berlin để thỏa luận và tìm kiếm xem liệu có giải pháp nào mà chúng tôi chưa từng tính đến”, ông Walter Steinmeier nói.

Theo Ngoại trưởng Walter Steinmeier, con số thương vong tiếp tục gia tăng từ khu vực xung đột miền Đông Ukraine trong những ngày qua cho thấy, khả năng chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không ở tương lai gần.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp, các ngoại trưởng nhấn mạnh thỏa thuận Minsk tiếp tục phải được coi là cơ sở nhằm tiến tới tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine và tất cả các bên phải tôn trọng văn kiện này.

Tổng thống Ukraine Poroshenko trước đó đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Pháp, Đức, Ukraine và Nga tại Astana, Thủ đô của Kazakhstan trong tháng này, nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và khôi phục hòa bình sau gần 1 năm chiến sự ác liệt.

Giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn là một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Nga-châu Âu trong năm nay. Tuy nhiên, những diễn biến mới về tình hình an ninh kinh tế thế giới đang tác động không nhỏ tới nỗ lực này. Nga không tránh khỏi bị chi phối vì tình hình kinh tế hiện nay khi đồng rúp và giá dầu lao dốc thời gian qua.

Cùng ngày 12/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc gặp người đồng cấp Latvia Edgars Rinkevics. Trong đó, ông Lavrov đề cập nhiều hơn đến thông tin nói rằng Liên minh châu Âu sẵn sàng nghĩ lại về các biện pháp trừng phạt.

Ông Lavrov nói: “Chúng tôi đã nhận những gợi ý, không phải từ Latvia, nhưng từ nhiều đối tác châu Âu khác về việc sẽ dỡ bỏ trừng phạt Nga. Chúng tôi chưa có bất cứ thảo luận nào với những gợi ý này. Những biện pháp trừng phạt hoàn toàn không hợp lý và phản tác dụng khi nó gây tổn hại cho tất cả. Chính các nước châu Âu cũng đang hứng chịu những tác dụng ngược lại từ lệnh trừng phạt Nga”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Latvia, nước đang nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ sáu tháng đầu năm 2015 cho biết, ông có thể nhìn thấy khả năng chấm dứt trừng phạt Nga, song điều này phụ thuộc vào tất cả các bên là Liên minh châu Âu, Nga và Ukraine.

“Chúng ta hiểu rất rõ rằng cuộc xung đột có thể bắt đầu rất dễ dàng, những để kết thúc đôi khi lại rất khó khăn. Đây là vấn đề không đơn giản và nó đòi hỏi thời gian. Đã có những giải pháp và tôi cho rằng chúng ta có khả năng triển khai ý tưởng này. Tất cả đều phụ thuộc vào Liên minh minh châu Âu, Nga và Ukraine”, Ngoại trưởng Latvia cho hay.

Châu Âu đang nhìn thấy những thách thức kinh tế với Nga tại thời điểm này. Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang “kẻ đấm người xoa” khi tuyên bố sẽ dỡ bỏ trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cách đây vài ngày đã nhấn mạnh rằng: cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên tại Kazakhstan sẽ không thể diễn ra cho đến khi lệnh ngừng bắn miền Đông Ukraine được tuân thủ đầy đủ và khu vực an ninh dọc biên giới Nga-Ukraine được xác lập.

Đây cũng là yếu tố quyết định liên quan đến những trừng phạt của Liên minh châu Âu với Nga. Đức khẳng định rõ ràng rằng tất cả 12 điểm của thỏa thuận hòa bình Minsk phải được thực hiện đầy đủ trước khi nghĩ đến việc Liên minh châu Âu cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga./.