Ngày 10/2, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc 2 ngày họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, với cam kết tăng cường hợp tác và thúc đẩy nỗ lực chống lại hoạt động cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Phó Thủ tưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan nói: “Trong nỗ lực chung để chống lại chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác và thúc giục tất cả các nước đẩy nhanh việc thực hiện các quy chuẩn quốc tế trong cuộc chiến này. Đặc biệt là việc trao đổi thông tin và đóng băng các tài sản của bọn khủng bố”.

bn_gw774_turkey_m_20150210031436_bktv.jpg Phó Thủ tưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan (ảnh: Reuters)

Theo ông Babacan, G20 kêu gọi sự phối hợp hành động và những hướng dẫn chung để các nước tăng cường các hệ thống chi trả minh bạch, nhằm giảm thiểu nguy cơ bị lạm dụng để cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố và thực hiện mục đích rửa tiền.

Tuyên bố chung của G20 sau hội nghị cũng nêu rõ các nước thành viên sẽ tiến hành các bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu, đồng thời hoan nghênh những triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế và việc làm tại một số nền kinh tế chủ chốt.

Tuy nhiên, các nước thành viên G20 cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), Nhật Bản và một số nền kinh tế đang nổi.

Theo đánh giá chung của G20, việc giá dầu giảm mạnh có thể tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, thúc đẩy sức mua của các nước nhập khẩu năng lượng và làm giảm áp lực lạm phát.

Tuyên bố của G-20 không đề cập cụ thể về tình hình tại Hy Lạp, vì nước này không phải là thành viên của G20, song khẳng định sẽ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro./.