Ngày 10/2, Hội nghị Bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) dự kiến thông qua Tuyên bố chung, trong đó cam kết sẽ hành động quyết đoán trong các chính sách tài chính và tiền tệ, nếu cần thiết, để ngăn chặn nguy cơ trì trệ kéo dài của các nền kinh tế.

Dự thảo Tuyên bố chung chỉ ra rằng, lạm phát của một số nước phát triển sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài đi kèm với tăng trưởng kinh tế ảm đạm và nhu cầu nội địa yếu, dự báo thị trường việc làm không khả quan và bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng.

g20_babacan_vjoq.jpgG20 lưu ý đến sự tăng trưởng chậm chạp của khu vực đồng euro và Nhật Bản.
G20 lưu ý đến sự tăng trưởng chậm chạp của khu vực đồng euro và Nhật Bản trong khi một số thị trường mới nổi cũng đang phát triển chậm lại. Chính vì thế, G20 hoan nghênh việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất chấp mối quan ngại của Đức để nới lỏng định lượng, cho rằng động thái này có thể thúc đẩy sự phục hồi của khu vực đồng euro.

Trong khi đó, dự thảo Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính G20 cho rằng, “một số nền kinh tế phát triển có dự báo tăng trưởng khả quan hơn đang dần trở về với chính sách thông thường”. Giới phân tích cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất. Nhưng nhìn chung các nước G20 sẽ duy trì các cam kết lãi suất hiện nay.

Dự thảo hoan nghênh dự báo có lợi ở một số nền kinh tế chủ chốt nhưng lại đánh giá kinh tế toàn cầu nhìn chung sẽ ảm đạm vì tăng trưởng không đồng đều và tăng trưởng thương mại chậm.

Theo dự thảo Tuyên bố chung này, giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian gần đây đã thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu nhưng cũng lưu ý rằng dự báo giá dầu sẽ còn nhiều biến động và các nước G20 cần phải giám sát chặt chẽ các diễn biến này./.