Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 hôm nay (10/2) bế mạc và ra tuyên bố chung sau hai ngày họp tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài các vấn đề kinh tế thế giới, vấn đề nợ công của Hy Lạp cũng trở thành chủ đề nóng được nhiều đại biểu tham dự đề cập tại hội nghị.
Bế tắc giữa Hy Lạp và “Bộ ba” chủ nợ - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - dành cho Hy Lạp liên quan đến các điều khoản của gói cứu trợ tiếp tục là chủ đề nóng chi phối cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20.
Cho đến nay, Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn tuyên bố sẽ trung thành với mục tiêu ngừng chính sách kinh tế khắc khổ, thậm chí thẳng thừng bác bỏ việc gia hạn chương trình cứu trợ tài chính của châu Âu đến ngày 28/2 tới, vốn được xem là hết sức cần thiết với Hy Lạp, để nước này có đủ điều kiện thực hiện kế hoạch của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về việc mua bán trái phiếu chính phủ.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Canada Joe Oliver nhận xét: “Tôi cho rằng cần phải có một sự kết hợp, nói đúng hơn là một sự thỏa hiệp. Hy Lạp cần có sự chuẩn bị để thay đổi. Về phía các chủ nợ họ cũng cần phải làm việc với phía Hy Lạp để đi đến một giải pháp mang tính thỏa hiệp. Tôi không cho rằng có ai đó muốn Hy Lạp phải rời bỏ đồng tiền chung châu Âu”.
Bên cạnh vấn đề của Hy Lạp, các vấn đề kinh tế thế giới như tình trạng lạm phát thấp, tăng trưởng trì trệ và tình trạng cầu giảm kéo dài cùng nhiều những hệ lụy khác còn sót lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 cũng được các đại biểu các nước tham dự đề cập tại hội nghị.
Theo các nguồn tin ngoại giao, thông cáo chung được đưa ra khi hội nghị bế mạc ngày hôm nay sẽ bao gồm những cam kết mang tính quyết định của G20 liên quan đến các chính sách tiền tệ và chính sách tài chính cần thiết để đối phó với nguy cơ kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong suốt thời gian qua, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Trong một tuyên bố bên lề hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế Italy Carlo Padoan cũng đã đề cập vấn đề này: “Châu Âu phải giải quyết với nguy cơ mà nằm ngày trong chương trình nghị sự của hội nghị. Đó chính là sự phát triển trì trệ của nền kinh tế châu lục. Sự trì trệ này liên quan đến tăng trưởng yếu hay nói đúng hơn là tình trạng dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài làm ảnh hưởng đến những yếu tố khác của nền kinh tế dưới vỏ bọc là lạm phát. Để giải quyết hai vấn đề này, không có cách nào khác là chúng ta phải mổ xẻ vấn đề bằng tất cả những công cụ chính sách cả ở tầm châu Âu và tầm quốc tế”.
Theo kế hoạch, hội nghị cấp cao G20 sẽ diễn ra tại thành phố Antalya Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm nay./.