Cơ chế này giúp giám sát các ngân hàng khu vực EU và các tổ chức tín dụng khác. Đây là bước đi đầu tiên của châu Âu nhằm xây dựng một liên minh ngân hàng, vốn được coi là chính sách chủ chốt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm qua ở 17 nước thuộc Eurozone.

Theo tuyên bố chung được các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu đưa ra sau cuộc họp tại Luxemburg, Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ trực tiếp giám sát các ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan giám sát thuộc các nước thành viên.

afp_copy.jpg
Cơ chế SSM được kỳ vọng giúp châu Âu thoát khỏi khúng hoảng (Ảnh AFP)

Cơ chế giám sát chung (SSM) không chỉ kiểm soát các ngân hàng thuộc khu vực sử dụng đồng Euro mà còn ở các quốc gia Liên minh châu Âu không nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu lựa chọn tham gia.

Phát biểu sau cuộc họp, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối Michael Barnier cho rằng, việc thành lập Cơ chế giám sát chung (SSM) là "bước đi quan trọng" và là "sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong giám sát các ngân hàng thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu".  

Ông Barnier nói:“ Đây là  một quyết định thật sự quan trọng. Các bộ trưởng tài chính châu Âu đã thống nhất hướng tới việc thành lập Liên minh ngân hàng qua việc hoàn thành trụ cột đầu tiên là Cơ chế giám sát chung”.

5 năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, nhiều ngân hàng châu Âu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến sự phục hồi không chắc chắn của khu vực đang nổi lên từ suy thoái.

Liên minh châu Âu đang cố gắng nhất trí các bước đi tiếp theo nhằm thành lập một Liên minh ngân hàng, giúp kiểm soát các ngân hàng trong khu vực cũng như tìm ra một giải pháp chung cho các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng.

Với quyết định thành lập Cơ chế giám sát chung, các nước Liên minh châu Âu đã hoàn thành bước đi đầu tiên. 

Tuy nhiên, hai "trụ cột" còn lại trong kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng, gồm thiết lập Cơ chế giải quyết chung (SRM) và Cơ quan có quyền tái cơ cấu hay đóng cửa các ngân hàng (BRRD) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sự bất đồng giữa các nước thành viên, đặc biệt là sự không ủng hộ của Đức.

Đức vẫn hoài nghi về tính tương thích của Cơ chế giải quyết chung đối với các hiệp định hiện hành của EU.

Là nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu nên Đức có đóng góp chủ yếu trong các gói cứu trợ. Nếu thực hiện theo cơ chế mới, các ngân hàng của Đức sẽ được yêu cầu đóng góp cho quỹ dùng cho việc giải thể hoặc cứu trợ ngân hàng ở các nước yếu hơn trong Eurozone.

Chủ tịch Nhóm bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu Jeroen Dijsselbloem bày tỏ hi vọng sẽ sớm hoàn thành trụ cột 2 trong năm nay: “Cơ chế giám sát chung hiện giờ đã hoàn thành. Thành lập cơ quan có quyền tái cơ cấu hay đóng cửa các ngân hàng (BRRD) đang được đàm phán với nghị viện châu Âu, còn đề xuất Cơ chế giải quyết chung  thực sự chỉ mới bắt đầu tranh luận. Hi vọng chúng tôi sẽ hoàn thành các cuộc thảo luận về Cơ chế giải quyết chungvào tháng 12 này. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan cần làm rõ”.

Dự kiến cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vào tuần tới tiếp tục thảo luận về trụ cột thứ 2 trong kế hoạch thành lập Liên minh ngân hàng.

Chỉ còn 10 tuần nữa đến hạn chót mà các nước Liên minh châu Âu đặt ra để hoàn thành giai đoạn 2. Tuy nhiên theo giới quan sát, với lập trường khá cứng rắn của Đức và việc nước này vẫn đang trong quá trình đàm phán để thành lập chính phủ mới, các nước châu Âu sẽ rất khó khăn để đáp ứng được hạn chót này./.