Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (01/09) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một đồng euro mạnh nhằm khuyến khích đầu tư tại châu Âu.

Tuyên bố này của bà Merkel đưa ra trong phiên tranh luận trực tiếp trên truyền hình với đối thủ hàng đầu thuộc đảng Dân chủ Xã hội Peer Steinbrück trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Đức diễn ra cùng ngày.

tranh%20luan%20bau%20cu%20duc.jpg
Bà Merkel và đối thủ của mình

“Điều mà chúng ta đạt được ở đây về mặt chính trị là các nhà đầu tư muốn đầu tư tại các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu đều biết rõ là chúng ta ủng hộ đồng tiền chung châu Âu và muốn nó thành công,” ông  Steinbrück  nói. “Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng người châu Âu cũng muốn sản phẩm của mình có mặt trên toàn thế giới và sản phẩm của chúng ta được bán tới tay nhiều người tiêu dùng. Đây là một chiến lược và nó cần phải được tiếp tục và các cử tri sẽ là người quyết định điều đó.”

Ngoài vấn đề đồng euro, bà Merkel và ứng cử viên đảng đối lập cũng đã trả lời các câu hỏi của 4 phóng viên trong cuộc tranh luận trên truyền hình vấn đề thuế tại Đức. Theo đó, ông Steinbrück ủng hộ chủ trương tăng thuế nhằm giải quyết bài toán về kinh tế. Trong khi, bà Merkel lại phản đối kế hoạch này, cho rằng, chủ trương của đảng Dân chủ Xã hội đối lập sẽ đẩy sự thịnh vượng của nước Đức vào nguy hiểm.

Liên quan đến vấn đề trốn thuế, đang là nỗi ám ảnh của Liên minh châu Âu bà Merkel cũng cho biết: bà sẽ đưa vấn đề về trốn thuế ra thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nga vào tuần tới.

Nguyên nhân chính dẫn tới vấn nạn trốn thuế đang phủ rộng khắp châu Âu là những kẽ hở về pháp luật đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tìm cách né tránh nghĩa vụ thuế.

Điều này đã khiến chính phủ ở các nước trong khối Liên minh châu Âu bị thất thu hàng nghìn tỷ euro tiền thuế mỗi năm trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng nợ công và thất nghiệp tăng cao.

Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri mới nhất tại Đức cho thấy, liên minh cầm quyền của đương kim Thủ tướng Merkel nhiều khả năng sẽ giành đủ phiếu để tiếp tục nắm quyền tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này. Tỷ lệ ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ - Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng Dân chủ tự do đạt 41%, bỏ xa đảng Dân chủ xã hội (26%) và đảng Xanh (11%).

 Cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến vào ngày 22/9 tới được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất ở Châu Âu năm 2013 vì kết quả cuộc bầu cử của người Đức sẽ không chỉ tác động tới chính sách của nước Đức mà còn ảnh hưởng tới nhiều vấn đề hệ trọng của Liên minh Châu Âu (EU) vẫn đang chìm trong khủng hoảng nợ công./.