Hội nghị Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) kết thúc hôm qua tại Litva đã ra thông cáo chung hoan nghênh sự phục hồi tăng trưởng tại khu vực dù vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, các Bộ trưởng tham dự Hội nghị đều nhất trí rằng, đây không phải là lúc người châu Âu được phép tự mãn, trong khi thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục.

Nội dung: Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn bày tỏ hy vọng, xu hướng tăng trưởng tích cực hiện nay sẽ được tiếp tục: “Một sự phục hồi kinh tế từ từ đang diễn ra tại châu Âu. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục được củng cố và ngày càng bền vững hơn trong những tháng tới và tăng tốc trong năm sau”.

chau-au.jpg
Châu Âu già nua (ảnh

Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh, tăng trưởng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu có nhiều diễn biến tích cực, sau một giai đoạn dài suy thoái. Cuối tháng 8 vừa qua,  Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) đã công bố những dữ liệu kinh tế mới nhất, cho thấy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thoát khỏi suy thoái trong quý 2 năm nay, với mức tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó. Đây là số liệu tăng trưởng tích cực đầu tiên cho khu vực kể từ quý 3/2011.

Dù mức tăng trưởng không cao và không đồng đều, song những kết quả vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp, ngành bán lẻ và kinh doanh đã phần nào cho thấy dấu hiệu chắc chắn về khả năng Khu vực đồng euro đang dần thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, các Bộ trưởng tham gia cuộc họp ngày hôm qua đều tỏ ra thận trọng với những diễn biến tích cực này. Bởi thực tế đang cho thấy, dù tăng trưởng đã trở lại song tình trạng thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện, với tỷ lệ cao kỷ lục 12%. Theo Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng  Tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu Jeroem Dijsselboem, châu Âu vẫn còn nhiều việc phải làm.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng cho rằng, đây không phải là lúc người châu Âu được phép “tự mãn”, mà hơn lúc nào hết cần tăng cường đoàn kết, chống chia rẽ, cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.

“Sẽ là sai  lầm nếu chúng ta tự mãn với những gì đạt được hiện  nay. Bởi mọi thứ vẫn chưa thể trở lại như trước đây," ông Barroso nói. "Một số người tin rằng, sau cuộc khủng hoảng mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Họ đã sai lầm, cuộc khủng hoảng hiện nay là khác. Đây không phả là một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ mà là một cuộc khủng hoảng cơ cấu. Chúng ta không thể quay trở lại với lối mòn mà phải quay trở lại trên cở sở đổi mới.”

Sự thận trọng của người châu Âu là hoàn toàn có cơ sở khi mà hơn 3 năm qua, những khó khăn kéo dài của "lục địa già" đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế châu Âu nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Cuộc khủng hoảng nợ công đeo đẳng trong Khu vực đồng euro đã khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác sụt giảm khi người tiêu dùng và giới kinh doanh châu Âu phải cắt giảm chi tiêu. Theo các chuyên gia kinh tế, cho dù khu vực đồng euro đã thoát suy thoái, nhưng cuộc khủng hoảng nợ chắc chắn chưa qua. Bởi điều này chưa đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế và tài khóa trầm trọng tại nhiều quốc gia thành viên.

Có thể thấy, chấm dứt suy thoái kinh tế là một cột mốc quan trọng, nhưng Liên minh châu Âu nói riêng và Khu vực đồng euro nói chung vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, mà duy trì đà phục hồi kinh tế như hiện nay cũng là một thách thức không nhỏ./.