Người phát ngôn của chủ tịch Liên minh châu Âu, vị trí hiện do Áo đảm nhận, nói rằng: “Mỹ và Nga cần tiếp tục cam kết đối thoại một các xây dựng nhằm duy trì Hiệp ước INF và để đảm bảo thực hiện Hiệp ước này một các đầy đủ và có thể xác minh được. Đó là điều thiết yếu đối với châu Âu và sự ổn định toàn cầu”.

inf_nlcw.jpg
EU muốn Mỹ đánh giá tác động an ninh nếu rút khỏi INF. Ảnh: AP

Người phát ngôn dẫn tuyên bố của Chủ tịch EU tại Nghị viện châu Âu rằng: “Chúng tôi đề nghị Mỹ xem xét hậu quả đối với an ninh của chính họ cũng như an ninh tập thể nếu muốn rút khỏi hiệp ước”.

Trước đó, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, cả Nga và các nước châu Âu đều đang lo ngại về tương lai không rõ ràng của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung.

Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Donald Trump nói rằng, Mỹ có ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm hiệp ước này. Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố Moscow sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh của mình nếu hiệp ước INF bị Mỹ chấm dứt.

INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987. Hiệp ước cấm cả 2 nước sở hữu, sản xuất hay thử nghiệm các tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình tầm xa 500-5.500 km./.