Người đứng đầu Ủy ban quân sự Duma quốc gia Nga Vladimir Shamanov cho biết, Nga có thể sẽ đáp trả việc Mỹ rút khỏi INF bằng cách tái triển khai căn cứ quân sự ở Cuba. Ông cũng dự đoán về một “cuộc khủng hoảng Cuba mới” nếu Mỹ và Nga không đạt được thỏa thuận về INF.

khung_hoang_cuba_reuters_tccu.jpg
Hình ảnh Tổng thống Mỹ John F. Kennedy's trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 22/10/1962 khi nói về cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba. Ảnh: Reuters

Theo ông Vladimir Shamanov, một cựu Tư lệnh Lực lượng dù của Nga nói rằng, việc Nga tái triển khai căn cứ ở Cuba sẽ là vấn đề chính trị nhiều hơn là quân sự.

“Kế hoạch này đang được đánh giá và các đề xuất sẽ được đưa ra”, ông Shamanov nói với hãng thông tấn Interfax, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Theo ông Shamanov, vấn đề tái triển khai căn cứ quân sự Nga tại Cuba này có thể sẽ được nêu ra với tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel khi ông tới thăm Nga đầu tháng 11.

Trước đó, ông Shamnov cũng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cần xem xét lại vấn đề hiệp ước INF: “Nếu chúng ta không dừng lại và không đối thoại, chúng ta có thể tạo ra bối cảnh tương tự như những gì đã dẫn tới cuộc khủng hoảng Cuba trước đây”.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba là một sự đối đầu lớn khiến Mỹ và Liên Xô đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân đầu những năm 1960. Khi đó, Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba để đáp trả việc Mỹ triển khai loại tên lửa tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ trước đó.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng vận hành một cơ sở thông tin tình báo ở Lourdes, Cuba. Mở cửa vào năm 1967, đây được cho là căn cứ tình báo lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài với 3.000 nhân viên.

Sau khi Liên Xô ran rã, căn cứ Lourdes đươc thu nhỏ quy mô, nhưng vẫn hoạt động tới năm 2001 mới chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động.

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky nói với RT rằng, việc khôi phục căn cứ quân sự Nga ở Cuba là điều rất dễ hiểu. Theo ông, việc tái vận hành căn cứ Lourdes sẽ không đòi hỏi ngân sách bổ sung, nhưng nó sẽ cho phép thu thập các thông tin tình báo về nước láng giềng của Cuba. Tuy nhiên, ông cho rằng bối cảnh như khi Nga triển khai tên lửa ở Cuba sẽ không tái diễn.

Konstantin Sivkov, một chuyên gia quân sự khác, và là một quan chức Hải quân đã nghỉ hưu, không đồng tình quan điểm trên và cho rằng chưa chắc quân đội Nga sẽ trở lại quốc đảo Caribe này. “Những năm 1960, chúng ta buộc phải đưa ra quyết định triển khai tên lửa tới Cuba vì chúng ta không có đủ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Còn giờ thì chúng ta đã có”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố gây sốc hồi tháng 10 khi ông nói Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF, viện dẫn Nga nhiều lần vi phạm hiệp ước này. Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc và nói rằng, chính Mỹ mới là bên vi phạm hiệp ước khi triển khai các tên lửa đánh chặn ở Đông Âu.

Năm 1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev khi đó đã ký Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung. Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ năm 1988. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai siêu cường đồng ý giải giáp toàn bộ tên lửa đạn đạo và chấp nhận giám sát lẫn nhau.

Ông Gorbachev mới đây cũng chỉ trích ông Trump khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF với Nga. Ông cảnh báo, một cuộc chạy đua vũ trang mới đã được khởi động và thúc giục Nga nên có “lập trường cứng rắn nhưng cân bằng”./.