Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và khẳng định rằng Nga đã vi phạm thỏa thuận này. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc do ông Trump đưa ra và cảnh báo rằng Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh cho mình.
Hôm 25/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định NATO chưa cung cấp cho Nga bất cứ dữ liệu nào về việc Nga được cho là không tuân thủ các nghĩa vụ của mình chiểu theo Hiệp ước INF.
Giới chuyên gia đã chia sẻ với hãng thông tấn Nga Sputnik rằng việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước INF có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới trên toàn cầu. Họ cũng cho rằng bản thân Mỹ đã vi phạm hiệp ước này dù họ tố Nga là bên vi phạm.
Tiêu chuẩn kép?
Hiệp ước INF được ký vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vào năm 1987, giữa nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan. Hai bên đạt được một thỏa thuận lịch sử cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và cam kết tiêu hủy tất cả các tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 498-5.471km.
Nhà phân tích quốc phòng Lajos Szaszdi nói với hãng tin Nga Sputnik rằng đương kim Tổng thống Trump đã phớt lờ việc Mỹ trước đó đã nhiều lần vi phạm chính hiệp ước này.
Nhà phân tích Szaszdi nêu một số trường hợp vi phạm của Mỹ như việc triển khai phiên bản Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo Aegis, còn được biết đến với cái tên hệ thống Aegis Ashore.
Lajos Szaszdi cho biết thêm, hệ thống Aegis Ashore triển khai ở Deveselu, Romania, có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk có gắn đầu đạn hạt nhân (TLAM-N) với tầm bắn tối đa là 2.414km.
Nhà phân tích này cũng cho biết: Một điểm Aegis Ashore nữa đang được thiết lập ở miền bắc Ba Lan. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lên kế hoạch triển khai các hệ thống này.
Szaszdi nói: “Như vậy, Romania và Ba Lan mỗi nước có khả năng sẵn sàng phóng 24 quả tên lửa Tomahawk, với tổng cộng 48 quả tên lửa hành trình loại này đe dọa miền Đông nước Nga. Cộng thêm Nhật Bản có tiềm năng triển khai tới 48 quả Tomahawk nữa, sẵn sàng phóng từ hai điểm phóng mà họ đã lên kế hoạch xây dựng, đe dọa vùng Viễn Đông nước Nga”.
Chạy đua vũ trang
Trong một bài bình luận đăng tải trên tờ báo New York Times vào hôm 26/10, cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Trump trên thực tế đã chủ động hủy hoại toàn bộ hệ thống các hiệp ước, điều ước quốc tế làm nền tảng cho an ninh toàn cầu.
Nhà phân tích Szaszdi nhận định: “Mỹ đã mắc sai lầm lớn khi đơn phương từ bỏ Hiệp ước INF 1987, vì khi làm vậy họ có nguy cơ đánh mất lợi thế do kích thích một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Nga, Trung Quốc và có thể cả với các lực lượng khác như Triều Tiên”.
Szaszdi cảnh báo rằng các đảng viên Cộng hòa Mỹ theo đường lối cứng rắn, bài Nga và thân Israel, chịu trách nhiệm về động thái này.
Theo Szaszdi, các hậu quả khác bao gồm việc “phổ biến hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM) và một cuộc đua vũ trang về hệ thống phòng thủ tên lửa, mà điều này đến lượt nó sẽ lại thúc đẩy việc phổ biến và chạy đua tên lửa tấn công”.
NATO thuyết phục Mỹ không rút khỏi Hiệp ước INF với Nga
Luật sư về An ninh Quốc gia Bradley Moss cảnh báo rằng quyết định của Tổng thống Trump về hủy bỏ Hiệp ước INF sẽ giáng một đòn nguy hiểm vào quá trình cắt giảm và tiêu hủy các kho vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Luật sư Moss nhận định: “Quyết định của Tổng thống [Trump] rút khỏi INF là một bước thụt lùi nghiêm trọng trong các nỗ lực cắt giảm và giới hạn vũ khí đã và đang diễn ra từ những ngày cuối cùng của Chiến tranh Lạnh… Môi trường hiện nay cho thấy các rắc rối trong quan hệ Mỹ-Nga, trong bối cảnh các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 và phong cách ngoại giao cá nhân khác biệt của Tổng thống Trump xung đột với thực tế của quan hệ đối ngoại”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 25/10 cho hay, các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã cho Moscow thấy rõ rằng Washington đã quyết định dứt khoát về việc rút khỏi Hiệp ước INF và việc rút lui này sẽ được thông báo trong khoảng 1 tháng rưỡi nữa.
Trong khi đó, trước quyết định của ông Trump về việc rút khỏi INF, nhà cựu ngoại giao Australia Tony Kevin nhận định đây là động thái chính trị của Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Ông Kevin cho rằng, ông Trump đang cố lấy lòng giai cấp công nhân Mỹ và muốn ghi điểm với cử tri Mỹ bằng việc tạo ấn tượng nước Mỹ cần tới “sức mạnh” của ông Trump để phòng vệ trước cái gọi là mối “đe dọa” từ Nga và Iran./.