Sau 10 ngày đàm phán đầy căng thẳng, Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Warsaw ( Ba Lan) hôm nay (22/11), bước sang ngày làm việc cuối cùng. Tuy nhiên, nhiều khả năng, hội nghị sẽ phải kéo dài thêm một ngày nữa do các nước đang phát triển và các nước giàu vẫn bất đồng về nhiều vấn đề lớn liên quan đến biến đổi khí hậu.

Sau các phiên thảo luận, các bên vẫn bất đồng về khoản ngân quĩ giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng Trái Đất nóng lên và cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trước đó, năm 2009, tại hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tại Copenhagen- Đan Mạch, các nước giàu đã cam kết tài trợ khoảng 100 tỷ USD mỗi năm nhằm giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Hoạt động tài trợ này dự kiến kéo dài đến năm 2020, song trên thực tế, việc giải ngân cho mục tiêu này đến nay đã không diễn ra đúng như cam kết.

Hệ quả là các nước đang phát triển không muốn tiếp tục đàm phán các cam kết mới nhằm đối phó với biến đổi khí hậu một khi các nước giàu không thực hiện đúng cam kết về tài chính. Trong một tuyên bố tại Hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jayanthi Natarajan kêu gọi cần vạch ra lộ trình cụ thể để hiện thực hóa cam kết mà các quốc gia giàu có đưa ra năm 2009, theo đó tới năm 2020 sẽ hỗ trợ 100 tỷ USD cho hoạt động chống biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Natarajan, ngay từ bây giờ, các quốc gia phát triển cần hành động nhiều hơn nữa để không trút gánh nặng biến đổi khí hậu lên các nước nghèo.

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ nói: “Chúng ta đã nhìn thấy khoảng cách rất lớn giữa những điều mà các nước phát triển đã cam kết với những đòi hỏi mang tính trách nhiệm cả về mặt khoa học và lịch sử đối với các nước này. Điều đáng buồn là các nước đang phát triển cam kết nhiều hơn các nước phát triển trong giai đoạn trước năm 2020. Và do vậy các nước phát triển cần có những bước đi tiên phong nhằm thu hẹp khoảng cách. Bình đẳng là một lộ trình để tiến tới những mục tiêu đầy tham vọng cao hơn. Do đó tôi kêu gọi các nước phát triển thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và hành động ngay từ bây giờ, tại chính Warsaw này.”

Đáp lại tuyên bố của Ấn Độ, đại diện cho các nước giàu như Mỹ và Liên minh châu Âu cho biết họ đã chi không ít cho hoạt động biến đổi khí hậu. Đặc phái viên Liên minh châu Âu Connie Hedegaard nhấn mạnh khối này đã quyết định chi khoảng 1,7 tỷ euro trong giai đoạn 2014-2015 cho mục tiêu đối phó với biến đổi khí hậu. Trong phiên họp ngày hôm qua (21/11), phái đoàn Mỹ tại Hội nghị cũng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục nâng mức hỗ trợ tài chính chống biến đổi khí hậu. Đại diện của Mỹ Todd Stern cho biết: “Mỹ sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động tài trợ về khí hậu, theo đó, chúng tôi sẽ tăng mức hỗ trợ trong những năm qua từ mức 2,3 tỷ USD lên 2,7 tỷ USD. Đồng thời, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với nhóm các nước tài trợ nhằm xây dựng một chiến lược chung để đáp ứng mục tiêu hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD trong dài hạn”.

Cơ chế đối phó với thiệt hại và mất mát do biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển. Trong khi các nước đang phát triển mong muốn thúc đẩy phát triển cơ chế mới nhằm đối phó với thiệt hại do biến đổi khí hậu thì các nước phát triển lại phản đối cơ chế mới do lo ngại cơ chế mới có thể mở đường cho những đòi hỏi về tài chính khổng lồ.

Trước những bất đồng của các bên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới cam kết mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới hành động cụ thể về chống biến đổi khí hậu. Phát biểu bên lề Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Ban Ki-moon một lần nữa đã kêu gọi các nước cần đưa ra các cam kết và hành động mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, để từ đó, hướng tới một thoả thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

“Tôi hy vọng là cũng tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra những cam kết và hành động mạnh mẽ hơn”, ông Ban nói. “Chúng ta có một năm để chuẩn bị để đến năm 2015 tại hội nghị ở Paris, tôi hy vọng là chúng ta sẽ có một thỏa thuận khung đầy đủ và hoàn thiện. Điều quan trọng là các nước tài trợ và các nước phát triển phải có đủ khả năng để cung cấp những hỗ trợ cần thiết cả về tài chính và công nghệ để từ đó giảm thiểu một cách hiệu quả những tác động của biến đổi khí hậu. ”

Rõ ràng là hệ quả của Biến đổi khí hậu đã không còn là vấn đề của bất cứ quốc gia nào mà đã là vấn đề chung của thế giới. Hàng loạt các vấn đề về khí hậu như hạn hán, lũ lụt, mà cụ thể là trận siêu bão Haiyan tại Philippines trong những ngày đầu tháng 11 qua là một bằng chứng cụ thể về biến đổi khí hậu. Vì thế, dù có bất đồng thế nào đi chăng nữa thì các nước phát triển và đang phát triển cũng phải nỗ lực để dung hòa các lợi ích riêng, để bảo vệ Trái Đất - ngôi nhà chung của thế giới. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ bế mạc vào chiều tối nay theo giờ Việt Nam./.