Trong khi Saudi Arabia và các đồng minh đang tiến hành các cuộc không kích tại Yemen thì Iran lại có động thái ngược lại là kêu gọi các nước ngừng tham chiến.

yemen_noi_chien_wwxn.jpgTình hình Yemen (ảnh: independent)
Sau 15 ngày Saudi Arabia phát động chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo Houthi, cuộc xung đột tại Yemen chẳng những không lắng dịu mà còn khiến căng thẳng giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite gia tăng.

Hôm qua (8/4), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã có chuyến thăm hỏa tốc tới Pakistan và Oman nhằm thuyết phục hai nước này không tham chiến tại Yemen. Trong chuyến thăm Pakistan, Ngoại trưởng Iran Zarif tuyên bố, Pakistan và Iran nên hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Yemen: "Chúng ta nên hợp tác để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Yemen. Người dân Yemen không đáng phải đối mặt với các cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu. Chúng ta cần tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại tại Yemen”.

Ông Zarif cũng hối thúc Pakistan từ chối đề nghị của Saudi Arabia về việc tham gia chiến dịch quân sự chống lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yemen. Pakistan cũng đã thông báo, Quốc hội nước này đã chính thức phản đối sự can thiệp của quân đội chính phủ vào Yemen theo yêu cầu của Saudi Arabia.

Cố vấn an ninh quốc gia Pakistan, Sartaj Aziz nói: "Sau ba ngày thảo luận, Quốc hội Pakistan đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi rằng, sự tham gia của Pakistan trong chiến dịch quân sự tại Yemen không được khuyến khích và Pakistan không nên tham gia bất kỳ hành động tấn công nào. Thay vào đó, phía Pakistan sẽ cố gắng để hòa giải hoặc gây ảnh hưởng hoặc tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình tại Yemen".

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Morteza Sarmadi cho rằng, các phe phái ở Yemen cần thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và Tehran đang nỗ lực để giúp Yemen đạt mục tiêu đó. Ông Samadi nhắc lại lời kêu gọi của Iran về việc ngừng ngay lập tức chiến dịch quân sự do Saudi Arabia cầm đầu kéo dài 2 tuần qua nhằm vào lực lượng Hồi giáo Houthi dòng Shiite ở Yemen. Ông nói rằng Yemen không thể được điều hành chỉ bởi 1 phe phái chính trị.

Ông Samadi nhấn mạnh: "Yemen không thể bị chi phối bởi một phe phái chính trị duy nhất. Tất cả các trào lưu và phe phái chính trị có ảnh hưởng và hoạt động chính trị tích cực mà nhận được sự ủng hộ của công chúng cần chung tay thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc có khả năng giải quyết được những vấn đề ở Yemen một cách tốt nhất có thể. Chúng tôi đang vận dụng tất cả những sáng kiến và nỗ lực để giúp Yemen đạt được giải pháp chính trị. Iran cũng mong muốn tất cả các nước bạn bè tham gia tìm một giải pháp hòa bình và chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Yemen.".

Trong khi đó, theo phía Saudi Arabia và các đồng minh, cuộc xung đột ở Yemen là một bằng chứng mới nhất về chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Iran - nước có người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số trong thế giới Arập.

Ngoại trưởng Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed cho biết, Iran đang can thiệp vào cuộc xung đột ở Yemen và các khu vực khác trong khu vực và các nước Ảrập vùng Vịnh không có nhiều cơ sở để hy vọng rằng họ có thể thiết lập các mối quan hệ bình thường với Tehran.

Ông Zayed nói: "Tôi mong rằng, cuộc xung đột của Yemen sẽ không bị nhầm lẫn là một cuộc xung đột sắc tộc. Cuộc xung đột này đang trầm trọng bởi Iran đã can thiệp sâu vào tình hình tại Yemen”.

Trong khi đó, từ Saudi Arabia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken tuyên bố, Washington đang đẩy nhanh cung cấp vũ khí và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, tiếp nhiên liệu cho liên quân chống nhóm Houthi. Ngoài ra, theo ông Blinken, Mỹ cũng đã thiết lập một trung tâm phối hợp tác chiến tại Riyadh, Saudi Arabia.

Một quan chức y tế cho biết lực lượng nổi dậy ngày 8/4 đã nã đạn xe tăng và đạn cối vào các khu vực dân cư ở thành phố Aden, miền Nam Yemen, làm ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.  Như vậy, bạo lực ở Yemen trong hơn 2 tuần qua đã làm gần 600 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị thương, trong đó có một nửa là dân thường./.