Bộ Ngoại giao Iran hôm qua đã yêu cầu Đại biện lâm thời Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Tehran giải thích phát biểu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong đó có nội dung chỉ trích mạnh mẽ vai trò của nước cộng hòa Hồi giáo này tại Yemen. Động thái này báo hiệu gia tăng một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới tại khu vực.

hoiuthi_dyzr.jpgYemen bất ổn với nhiều cuộc tuần hành tại thủ đô Saana (ảnh: AP)
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham nêu rõ Chính phủ Iran phản đối những bình luận không phù hợp và bất thường của Tổng thống Erdogan, đồng thời đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ giải thích thấu đáo.

Bà Marzieh Afkham nhấn mạnh: Cách tiếp cận của Tehran đối với tình hình khu vực Trung Đông và quan hệ với các nước láng giềng dựa trên nền tảng hòa bình, ổn định và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, và bà hy vọng sự hợp tác Iran-Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp ứng mục tiêu này.

Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Iran được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước đã yêu cầu Iran và các nhóm khủng bố phải rút khỏi Yemen đang chìm trong bất ổn. Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc Tehran can thiệp vào công việc các nước trong khu vực khi viện dẫn vai trò của nước này trong việc cố vấn và điều phối các nhóm tay súng Hồi giáo dòng Shi'ite trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS)tự xưng tại Iraq.

“Cuộc xung đột ở Yemen là một cuộc xung đột giữa các nhóm Shi'ite và Sunni. Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận bất kỳ một cuộc xung đột sắc tộc nào. Iran đang cố gắng để củng cố vị trí tại khu vực Trung Đông. Chúng tôi cảm thấy bất ổn về điều này. Iran phải thay đổi lập trưởng của mình. Họ nên rút toàn bộ lực lượng của họ ra khỏi Yemen cũng như ở Syria hay Iraq. Iran nên tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia này”, Tổng thống Erdogan nói.

Những phát biểu này đã khiến dư luận Tehran dậy sóng, đồng thời khiến cho quan hệ hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Iran đã chỉ trích những cáo buộc của Tổng thống Erdogan và buộc tội Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi chính sách chia rẽ ở khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải hủy chuyến thăm Iran dự kiến vào tháng tới của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, phản ứng trước những ý kiến này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng: “Có hai luồng phản ứng khác nhau từ Iran liên quan đến tuyên bố của tôi. Một số người yêu cầu hủy chuyến thăm của tôi tới Iran, nhưng họ không phải là những người có thể quyết định. Tôi  đi hay không, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định. Hiện tại chúng tôi chưa có sự thay đổi nào, nhưng chúng tôi đang quan sát tình hình tại Yemen. Lập lại ổn định tại Yemen là điều quan trọng. Có thể là bước đòi hỏi chúng tôi thay đổi quyết định. Nhưng trong thời điểm này thì chưa”.

Cáo buộc lẫn nhau

Không chỉ có sự đối đầu giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, mà trong những ngày qua cuộc khủng hoảng tại Yemen rõ ràng đã có tác động rất lớn đến các chính sách ngoại giao của nhiều nước trong khu vực. Sự đối đầu tôn giáo giữa một bên là liên minh các quốc gia Arab do dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số với bên còn lại là các quốc gia Trung Đông do dòng Shi’ite chiếm đa số, trong đó có Iran. Ngay khi Liên quân Arab thực hiện các cuộc không kích vào Yemen, Iran và Syria đã lên tiếng phản đối hành động này và gọi đó là “sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ Yemen”.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước Arab khẳng định Iran đứng đằng sau hậu thuẫn cho lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen thì Iran lại có những cáo buộc ngược lại.

Phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Massoud Jazayeri cáo buộc Mỹ đang đứng đằng sau các vụ không kích của Saudi Arabia vào Yemen. Ông Massoud cũng cảnh báo Saudi Arabia đang sa vào vũng lầy chiến tranh tại Yemen. Ông Kanani Moghadam, cựu chỉ huy của Lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran cho rằng “Các hoạt động quân sự của Saudi Arabia cho thấy họ đang muốn gây sức ép với Iran. Và nếu việc các nước Arab cùng liên minh thiết lập một cuộc chiến tranh tại Yemen thì không có lý do gì Iran lại không cử các cố vấn quân sự để hỗ trợ Yemen giống như họ đã làm ở Syria và Iraq”.

Tình hình tại Yemen đang trở nên ngày càng căng thẳng. Các cuộc không kích của Lực lượng liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đã bước sang ngày thứ 6 và tấn công dữ dội vào thủ đô Saana cũng như các khu vực lân cận. Sự tàn phá do các cuộc không kích của Liên quân Arab và các cuộc giao tranh giữa lực lượng phiến quân Houthi với quân Chính phủ được đánh giá là rất nghiêm trọng.

Hàng trăm ngàn người đã phải rời bỏ nhà cửa, tị nạn ở những nơi không có đủ điều kiện sinh hoạt. Những đối đầu về chính trị, ngoại giao của các nước đang muốn tranh giành ảnh hưởng thông qua những bất ổn tại Yemen không những đầy khu vực này vào một cuộc chiến tranh mới mà quan trọng hơn là đẩy những người dân vô tội vào bước đường cùng./.