Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 8/4 có chuyến thăm Pakistan. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Saudia Arabia đang đề nghị Pakistan tham gia vào chiến dịch chống nhóm Houthi tại Yemen, trong khi Iran lại cho rằng hành động này là can thiệp vào công việc nội bộ của Yemen. Điều này đặt Pakistan đứng trước ngã ba đường, nên ủng hộ đồng minh Saudi Arabia hay quốc gia láng giềng quan trọng Iran.
Dự kiến trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Zarif sẽ hối thúc Pakistan bác bỏ yêu cầu của Saudi Arabia tham gia vào chiến dịch quân sự chống lại nhóm Houthi tại Yemen. Ông Zarif cho rằng, cuộc xung đột tại Yemen nên được giải quyết thông qua các cuộc đối thoại chứ không phải sử dụng vũ lực. Tất cả các nước nên hợp tác hướng tới sự ổn định và ngăn chặn những bất ổn an ninh lan rộng trong khu vực.
Tuy nhiên, Saudi Arabia gần đây đề nghị Pakistan tham gia vào liên minh quân sự tại Yemen, cung cấp trực thăng quân sự, tàu chiến và binh lính cho chiến dịch chống nhóm vũ trang Houthi tại Yemen. Quốc hội Pakistan đang thảo luận việc có tham gia vào chiến dịch quân sự tại Yemen hay không.
Pakistan có nhiều đóng góp trong việc cử binh lính tới tham dự phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, có sự chia rẽ lớn trong quốc hội về việc tham gia chiến dịch quân sự tại Yemen.
Saudi Arabia và Iran là hai quốc gia lớn trong khu vực và có sự khác biệt lớn về ý thức hệ. Iran là nước cộng hòa Hối giáo có dân số chủ yếu là tín đồ dòng Shiite, trong khi Saudi Arabia là một vương quốc với sự thống trị của Hồi giáo dòng Sunni.
Mâu thuẫn giữa hai lực lượng này đã nhiều lần làm thổi bùng bạo lực phe phái trong khu vực. Các nghị sĩ Pakistan lo ngại, tham gia vào liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu có thể thổi bùng ngọn lửa phe phái tại Pakistan- nơi có một phần 5 dân số là người Shiite.
Sự can thiệp của Pakistan vào Yemen cũng có thể gây tổn hại đến mối quan hệ với quốc gia láng giềng Iran. Iran và Pakistan có chung đường biên giới dài và nhiều khoáng sản. Vì vậy, nhiều thành viên quốc hội Pakistan kêu gọi chính phủ nên có thái độ trung lập đối với tình hình hiện nay tại Yemen.
Nghị sĩ Pakistan Maulana Ameer Zaman cho rằng: “Pakistan nên đóng vai trò hòa giải.Nếu Saudi Arabia bị đe dọa, khi đó mọi người bao gồm cả quân đội và người dân sẽ có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này Saudi Arabia chỉ mới lo ngại về cuộc chiến tại Yemen, do đó Pakistan nên có thái độ trung lập trong cuộc chiến đó”.
Bộ trưởng quốc phòng Pakistan Khawaja Asif nhấn mạnh, Pakistan ủng hộ những nỗ lực của Saudi Arabia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước này trước bất cứ mối đe dọa nào. Tuy nhiên, ông Asif không đề cập đến bất cứ hành động quân sự nào. Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng, mặc dù Saudi Arabia là một “người bạn đặc biệt” của Pakistan nhưng sự can thiệp của Pakistan vào Yemen là một hành động “không khôn ngoan”.
Theo một cựu cố vấn an ninh quốc gia Pakistan, nếu trên danh nghĩa bảo vệ Saudi Arabia trước các mối đe dọa, Pakistan có thể sẽ cần phải cử binh lính tham chiến. Việc cử binh lính đến một nước thứ 3 là một điều hoàn toàn không có lợi cho Pakistan thời điểm hiện nay./.