Một buổi sáng nắng ấm tháng 11 của 35 năm về trước, sáu sĩ quan CIA đóng bên trong đại sứ quán Mỹ ở Tehran (Iran) lần đầu nghe thấy những tiếng hò la của một đám đông tụ tập bên ngoài. Một nhóm nhỏ gồm đa phần những người biểu tình không bạo động đã tập trung gần Đại sứ quán trong vài tuần để phản đối việc Mỹ ủng hộ cho Quốc vương Iran lưu vong Mohammed Reza Pahlavi. Cuộc biểu tình hôm đó dường như không khác mọi khi. Rồi dần dần, tiếng ồn từ phía đám đông thay đổi, to hơn và gần hơn. Tầm giữa buổi sáng, một nhóm sinh viên Hồi giáo cực đoan xâm nhập khu vực thuộc Đại sứ quán Mỹ trên đại lộ Takht-e-Jamshid ở Tehran và bắt 66 người Mỹ làm con tin. Năm mươi hai người trong số các con tin, bao gồm cả nhân viên CIA, đã bị giam cầm trong 444 ngày.

1_iran_con_tin_1_yodz.jpgCác phần tử thanh niên khích động trèo cổng vào chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Iran vào tháng 11/1979 (ảnh: AFP)
Vụ khủng hoảng con tin bắt đầu vào ngày 4/11/1979 là một trong các vụ khủng hoảng đối ngoại lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 20.

Nhân dịp kỷ niệm sự kiện này, trang web của CIA đã thuật lại câu chuyện của hai sĩ quan CIA bị giữ làm con tin trong giai đoạn đó.

Đột kích vào Đại sứ quán Mỹ

William Daugherty có chuyến công cán nước ngoài đầu tiên với tư cách là một tân sĩ quan hoạt động thực địa thuộc Cục Chiến dịch (nay là Cục Hành động ngầm Quốc gia thuộc CIA). Được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp sau đại học vào năm 1978, Daughterty nhận nhiệm vụ tới Iran vào ngày 12/9/1979.

Trong một cuốn sách do mình viết, Daugherty mô tả lại những ngày đầu ở Tehran mà đối với ông là đầy thách thức nhưng cũng… thú vị. “Tôi khi đó 32 tuổi, và đang ở đỉnh cao phong độ cả về thể xác và tinh thần”. Ông mới chỉ ở Iran được 53 ngày thì bị bắt làm con tin.

Các sinh viên Hồi giáo Iran giận dữ đốt cờ Mỹ ngay tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran (ảnh: Corbis)
Trưởng chi nhánh CIA tại Tehran là Tom Ahern. Ông đến đây trước Daugherty, vào hồi mùa hè. Ông là trưởng CIA thường trú đầu tiên tại Iran sau khi chế độ Quốc vương Iran sụp đổ trong thời kỳ Cách mạng Iran hồi tháng 2. Theo Ahern, “không khí ở Tehran nói chung là rất căng thẳng”.

Một cách lưỡng lự, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho phép Quốc vương Iran sang Mỹ điều trị y tế vào ngày 22/10 – một động thái được cho là sẽ làm người Iran phẫn nộ. Tuy nhiên, sau vài tuần, các cuộc bạo động và phản đối bên ngoài Đại sứ quán hạ nhiệt dần và tình hình yên ắng một cách lạ thường.

Ahern miêu tả buổi sáng hôm Đại sứ quán bị chiếm là một ngày Chủ nhật như bao ngày khác (Chủ nhật là ngày đầu tiên trong tuần làm việc ở nhiều nước Hồi giáo). “Tôi nghĩ là mình đang đọc cái gì đó cho trợ lý chép khi tôi nhìn ra bên ngoài cửa và chợt thấy hai thanh niên dáng lôi thôi đang chạy lướt bên trong sân ngay dưới cửa sổ của tôi”.

Từ lúc Ahern thấy người đầu tiên xuất hiện trong sân tới khi Đại sứ quán bị chiếm hoàn toàn là khoảng 3 tới 4 tiếng đồng hồ. Ahern nhớ lại: “Đấy không hẳn là tấn công đại sứ quán, mà là xâm nhập”.

Ahern và Daugherty đang ở những bộ phận khác nhau của Đại sứ quán khi cơ sở này bị chiếm giữ. Hầu hết nhân viên của Đại sứ quán đã bị người Iran chiếm giữ. Không lâu sau cả Ahern và Daugherty không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng.

Ahern hồi tưởng: “Sau khi đã kiểm tra tổng thể để bảo đảm rằng mọi tài liệu mật đều đã được tiêu hủy, tôi mở cửa và họ [sinh viên Iran] đã ở đó… Có vẻ họ hơi bực dọc khi buộc phải chờ đợi. Người đầu tiên thúc mạnh khuỷu tay vào ngực khiến tôi bị choáng.”

Cá chậu chim lồng

Ban đầu các con tin được lùa vào ở chung trong khu nhà ở của Đại sứ quán, nơi được chia thành các phòng riêng biệt. Tuy nhiên, sau vài tuần đầu tiên, Daugherty và Ahern đã bị cách ly với toàn bộ số con tin còn lại. Họ bị đánh đập, tra khảo, và đe dọa hành quyết. Cả hai sĩ quan đều quyết tâm duy trì vỏ bọc nhân viên Ngoại giao, nhưng người Iran nhanh chóng phát hiện ra thân phận thực sự của họ.

Các con tin Mỹ, bao gồm cả nhân viên CIA, bị bịt mắt tại trụ sở cơ quan ngoại giao Mỹ (ảnh: Sipa Press)
Môt con tin bị bịt mắt và trói tay rồi dẫn đi (ảnh: AP)
Daugherty nhớ lại thời điểm người Iran nói với ông rằng họ biết ông thực sự làm việc cho ai: “Trong tâm trí tôi, tôi thấy mình đã vượt qua được những kẻ thẩm tra, và khá hài lòng về điều đó. Sau khi tạm nghỉ để uống trà, Hossein (người thẩm vấn) lại hỏi liệu tôi có phủ nhận mình là CIA hay không. Khi tôi trả lời là Có, thì Hossein trao cho tôi một tờ giấy, và tim tôi như đứng lại. Thời khắc đó tôi ngỡ đời mình thế là xong”.

Tờ giấy trên là một bức điện mật mà người Iran đã phát hiện trong lúc họ lục soát Đại sứ quán. Tờ giấy tiết lộ tên thật của Daughterty cùng với các chi tiết về mối liên hệ của ông với CIA và các nhiệm vụ của mình. Daugherty không còn sự lựa chọn nào. “Đầu óc trống rỗng không nghĩ đươc gì nữa, tôi nhìn vào đám người Iran rồi nói: “Ừ thì sao nhỉ?”. Những người thẩm vấn tôi yên lặng như bị sốc.

Tuy nhiên, cơn sốc đó không kéo dài. Cả Ahern và Daughterty sau đó phải trải qua vô số cuộc thẩm vấn sâu trong vài tháng tiếp theo.

Đối với riêng Daugherty, các phiên thẩm vấn mang lại cho ông cơ hội hiểu thêm về các sinh viên Iran và lý do họ chiếm Đại sứ quán. Ông bộc bạch: “Tôi thường thấy những giờ thảo luận hay hội thoại không có vẻ gì thù địch với những người Iran là rất thú vị, đôi lúc còn hữu ích nữa, và không ít lần còn thực sự gây ngạc nhiên lớn cho tôi… Ngoài ra nó còn giúp tôi giết thời gian”.

Các con tin Mỹ bị giữ ở trong hành lang (ảnh: Gamma)
Ahern và Daugherty đã tự lên kế hoạch tập thể dục hàng ngày để trôi qua những giờ bị giam cầm một mình. Daugherty nói: “Thói quen của tôi khi ấy là thức giấc vào thời khắc nào đó sau khi có ánh mặt trời, rồi đợi thưởng thức bữa sáng thường gồm bánh mì Iran hay là bánh mì barbari của Afghanistan cùng với bơ, mứt hoặc pho mát và trà. Tôi sau đó sẽ dựng chiếc giường tạm của tôi vào tường rồi đi bộ, từ góc này đến góc kia của phòng, bước khoảng 8-10 bước, rồi quay ngược lại. Việc này tiếp diễn đến khi tôi mệt mỏi và chân tấy đau. Sau đó tôi lại đọc sách cho đến giờ ăn trưa. Sau bữa trưa, tôi sẽ lặp lại các hoạt động vào buổi sáng, cho đến lúc ăn tối. Sau bữa tối, tôi sẽ lại đi bộ và đọc cho đến khi nào tôi thấy mệt và buồn ngủ.”

Ahern cũng kể tương tự. Chỉ có điều, Ahern thực hiện như vậy trong 9 ngày liên tục, đến ngày thứ 10 thì nghỉ.

Đọc hơn 500 cuốn sách

Ahern, Daugherty và các con tin khác có thể giết thời giờ bằng cách đọc sách. Thật may cho họ là trước khi Đại sứ quán bị chiếm, toàn bộ thư viện trường Tehran-Mỹ đã được đưa vào nhà kho của Đại sứ quán để cất giữ, nhờ đó các con tin có một lượng lớn tiểu thuyết và sách thuộc các thể loại khác để đọc. Người Iran cung cấp các cuốn sách đó cho các tù nhân đọc, có lẽ là để giữ cho họ bận rộn và không còn thời gian “phá quấy”.

Cá nhân Daugherty cho biết, ông đã đọc trên 500 cuốn sách trong thời gian bị giam cầm. “Tôi đọc hầu hết các tác phẩm của Dickens, và nhiều sách của các tác giả Agatha Christie và Ruth Rendell. Tôi thích các cuộc phiêu lưu của Bertie Wooster và Jeeves. Tôi đọc ngấu nghiến các cuốn về lịch sử nước Nga, nước Anh, Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nước Mỹ đầu thế kỷ 20… Trong số các cuốn sách hay nhất mà tôi đọc giai đoạn này có một số cuốn mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ ngó ngàng đến trong cuộc sống bình thường”.

Ahern biết một chút tiếng Pháp nên ông đọc tất cả các cuốn sách tiếng Pháp có sẵn ở đó rồi chuyển sang nhâm nhi một số cuốn về ngữ pháp tiếng Đức căn bản.

Một cuộc họp báo do các sinh viên Hồi giáo Iran tổ chức ngay trong Đại sứ quán Mỹ tại Iran sau khi bj các thanh niên này chiếm. Dòng chữ trên tường: "Đả đảo chủ nghĩa đế quốc.." (ảnh: Gamma)
Ahern cho biết bí mật sinh tồn khi làm con tin là giảm tối thiểu thời gian nghĩ vẩn vơ về những điều sắp xảy đến. Ông tin là, nghĩ quá nhiều về chuyện đó thì chỉ mệt người thôi.

Cả Ahern và Daugherty đã trải qua hơn một năm trời ở Tehran trong bối cảnh Mỹ và Iran đàm phán căng thẳng, Mỹ định dùng biện pháp quân sự để giải cứu nhưng thất bại, và nước Mỹ bầu ra một Tổng thống mới.

“Sổ lồng” vào đầu năm 1981

Sau nhiều tháng hai bên có những tranh cãi chính trị, còn Mỹ tiến hành xong bầu cử tân Tổng thống, các sinh viên Iran cuối cùng đồng ý thả các con tin Mỹ. Các con tin không hay biết liệu họ có được phóng thích hay không và nếu có thì vào lúc nào. Riêng Daugherty phán đoán, nếu được thả tự do thì điều này sẽ xảy ra vào gần ngày tân Tổng thống Reagan nhậm chức: đây sẽ là sự sỉ nhục cuối cùng mà các sinh viên Iran dành cho Tổng thống Carter.

Cuối cùng thì Daugherty và Ahern cùng các con tin khác đã được phóng thích vào tối ngày 20/1/1981. Họ đều bị bịt mắt, đưa lên xe bus và đưa tới sân bay, nơi một chiếc máy bay của hãng Air Algeria đợi sẵn để đưa họ về quê nhà.

Cả Ahern và Daugherty gần như không được tiếp cận thông tin từ thế giới bên ngoài trong những tháng họ bị giam giữ ở Tehrran và họ rất bất ngờ về sự đón tiếp nồng hậu dành cho họ khi trở về tới Mỹ…/.

>> Xem thêm: Cuộc đảo chính do Mỹ đạo diễn ở Iran