Sau hơn 2 năm đàm phán, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (gọi tắt là BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã đi đến nhất trí và ký kết thỏa thuận thành lập ngân hàng chung.

Đây được đánh giá là bước tiến lớn nhất của nhóm BRICS kể từ khi ra đời vào năm 2009 để có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính toàn cầu do các cường quốc phương Tây lập ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Các nước Nam Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với thỏa thuận này. 

ngan_hang_brics_rpei.jpgLãnh đạo các nước nhóm BRICS (Ảnh AP)
 Thỏa thuận về thành lập ngân hàng chung của nhóm BRICS, có tên gọi Ngân hàng Phát triển mới (NDB) được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm kết thúc ngày 16/7 tại thành phố Fortaleza của Brazil. Mục tiêu là huy động nguồn lực cho các dự án hạ tầng và phát triển tại các nước thành viên cũng như các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.

Ngân hàng có tổng vốn ban đầu 100 tỷ USD, trong đó vốn điều lệ là 50 tỷ USD, chia đều cho các nước sáng lập. Dự kiến, ngân hàng cho vay từ năm 2016 và sẽ chấp nhận các nước khác trở thành thành viên. Bên cạnh đó, các nước BRICS cũng ký thỏa thuận thành lập một quỹ dự phòng trị giá ban đầu 100 tỷ USD nhằm giúp các nước thành viên ứng phó với sức ép thanh khoản ngắn hạn.

Đánh giá về ý nghĩa của việc thành lập Ngân hàng phát triển mới của nhóm BRICS, Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng, Ngân hàng sẽ giúp các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính quốc tế - điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc họp thượng đỉnh. Ngân hàng mới sẽ thúc đẩy hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu nhằm phát triển theo hướng công bằng và đúng đắn hơn. Lãnh đạo các nước Nam Mỹ cũng hoan nghênh và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập ngân hàng chung của nhóm BRICS.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo nhóm BRICS và các nước Nam Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khẳng định, sự ra đời của Ngân hàng phát triển mới sẽ giúp bảo đảm an ninh tài chính cho các nước phát triển và không nhằm mục đích phản đối những chính sách của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo bà Dilma Rousseff, việc thành lập ngân hàng này đóng vai trò "hết sức quan trọng" đối với các nước thành viên thuộc BRICS bởi định chế mới này sẽ giúp thay đổi đáng kể các điều kiện tài chính của mỗi nước cũng như tạo thuận lợi cho các nước tiếp cận các nguồn vốn cần thiết.

Nhà lãnh đạo Brazil đồng thời nhấn mạnh các nước thành viên sẽ nỗ lực đưa Ngân hàng Phát triển mới (NDB) trở thành một định chế "tiêu biểu và dân chủ hơn". Bà Dilma Rousseff nói: “Các nước Nam Mỹ và BRICS tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước đang phát triển. Sự hội nhập của Nam Mỹ và ý tưởng chung của BRICS là một phần trong tiến trình chung nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng trên toàn cầu”.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro coi việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và quỹ dự trữ chung là một "tin tốt lành" đối với toàn bộ khu vực Nam Mỹ. Tổng thống Maduro cũng đề xuất thành lập một liên minh giữa Ngân hàng này và Ngân hàng phương Nam - một tổ chức tài chính do các nước Nam Mỹ thành lập năm 2009 - nhằm xây dựng một hệ thống tài chính mới với nguồn vốn không mang tính chất đầu cơ vốn khiến nền kinh tế các nước suy yếu.

Cùng chung quan điểm trên, Tổng thống Bolivia Evo Morales nhấn mạnh: “Thế giới cần một "tổ chức tài chính mới", đồng thời bày tỏ niềm tin Ngân hàng này sẽ mang lại những chính sách công bằng và minh bạch, thay vì những chính sách mang tính "chủ nghĩa thực dân kiểu mới". Theo ông, ngân hàng mới sẽ giúp các nước Mỹ Latin thoát khỏi tình trạng đầu cơ tài chính và hăm dọa kinh tế.

Ngân hàng của BRICS ra đời trong bối cảnh các nước thành viên cũng như các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển khác tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế để thực hiện các dự án hạ tầng và phát triển bền vững.

Giới phân tích nhận định, sự ra đời của ngân hàng và quỹ dự trữ của BRICS có một phần xuất phát từ nỗi thất vọng trước việc Mỹ, "cổ đông" đóng góp tài chính lớn nhất và có quyền phủ quyết các quyết định của Quỹ Tiền tệ quốc tế đã từ chối thông qua một gói các cải cách sâu rộng về hoạt động, cơ cấu bỏ phiếu và quản trị của quỹ nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn về tài chính.

Ngoài ra, việc Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế cho vay tiền luôn kèm theo các điều kiện ràng buộc nghiêm ngặt cũng là một trong những nguyên nhân khiến BRICS nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng đó bằng cách thành lập quỹ dự trữ và ngân hàng riêng. Thông qua việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS, các nước thành viên sẽ có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính./.