Ngày 27/3, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 của nhóm BRICS đã bế mạc tại thành phố cảng Durban (Nam Phi), với việc nhất trí trên nguyên tắc về việc thành lập ngân hàng phát triển và mục tiêu đưa BRICS trở thành một cơ chế phối hợp thường xuyên và dài hạn trong các vấn đề kinh tế và chính trị quan trọng của thế giới. Những kết quả này đã đánh dấu một bước chuyển mình mới của BRICS nhằm hướng tới mục tiêu trở thành nhân tố không thể thiếu trong việc xác lập một trật tự thế giới mới trong tương lai gần.
Sự nổi lên của BRICS
Khái niệm các nền kinh tế mới nổi (BRIC) được Jim O'Neill, Chủ tịch Goldman Sachs Asset Mamagement, đưa ra năm 2001. Đây là một tập hợp các chữ cái tiếng Anh chỉ 4 nền kinh tế đang nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, BRIC ngày càng được cộng đồng thế giới quan tâm bởi vì, các thành viên của nhóm đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. BRIC không còn là một khái niệm nữa mà đã thực sự trở thành một nền tảng cho trao đổi thương mại quốc tế.
Lãnh đạo 5 nước BRICS (Ảnh AP) |
Trong thời gian gần đây, vị thế của BRICS trong nền kinh tế thế giới đã tiếp tục tăng mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở Châu Âu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm suy sụp nền tài chính của các nước phát triển nhưng lại không tác động gì nhiều tới nền tài chính của các nước thành viên BRICS. Trung Quốc và Ấn Độ đã nhanh chóng thoát khỏi các cuộc khủng hoảng này và khôi phục được đà tăng trưởng cao, trong khi Brazil bị tác động mạnh hơn nhưng đã gượng dậy một cách thần kỳ vào cuối năm 2009. Ngược lại, các nước Châu Âu lại tiếp tục lún sâu vào một cuộc khủng hoảng khác - cuộc khủng hoảng nợ công.
Trong khoảng 20 năm qua, các nước thành viên BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Ðầu tư của BRICS ra nước ngoài đóng góp 9% tỷ trọng đầu tư thế giới, chiếm 42% số vốn đầu tư đổ vào các nước công nghiệp phát triển. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của khối đạt 4% và là con số mơ ước của nhóm G7, vốn chỉ đạt mức 0,7%.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, khoảng cách về kinh tế giữa BRICS và G8 đang dần thu hẹp. Nếu không tính Nga, các nước G8 còn lại chỉ chiếm 38,3% GDP toàn cầu. Khoảng cách đó sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới vì nhiều nước thành viên nhóm G8 đang phải chật vật để vượt qua khó khăn kinh tế triền miên.
Theo các chuyên gia phân tích, trong trung hạn, sự khác biệt về tăng trưởng có thể sẽ kéo dài vì các nước mới nổi ngày càng ít phụ thuộc hơn vào các nước phát triển về xuất khẩu và mô hình tăng trưởng của các nước mới nổi ngày càng hướng về thị trường nội địa hơn, từ đó sẽ gia tăng sự tự chủ tương đối của mình. Trừ phi có thay đổi đáng kể về động lực ở châu Âu và Mỹ và giữa hai khu vực, trọng tâm của nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục nhanh chóng chuyển dịch sang các nước mới nổi.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS đã hình thành một thị trường gần 3 tỷ dân, với tổng GDP khoảng 19.900 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2050, tổng khối lượng kinh tế của khối này sẽ vượt nhóm G7.
Những bước đi ban đầu
Tại hội nghị vừa qua ở Durban, các nhà lãnh đạo BRICS hài lòng nhận thấy việc thành lập Ngân hàng phát triển là khả thi và có thể giúp phát triển mạnh mẽ hệ thống hạ tầng tại các nước đang phát triển. Theo dự kiến, Ngân hàng phát triển sẽ đạt mức vốn hoá 4.500 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, đủ để đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên trong việc tài trợ cho các dự án tại một số nước đang phát triển.
Hội nghị BRICS tại Nam Phi (Ảnh BRICS 5.co.za) |
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo BRICS cũng quyết định thành lập Hội đồng Kinh doanh BRICS và Hội đồng Nghiên cứu Chính sách BRICS nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và kinh doanh trong nhóm và tạo thuận lợi cho quá trình hợp tác giữa các nước thành viên.
Theo các chuyên gia phân tích, việc thành lập Ngân hàng phát triển và Quỹ dự phòng rủi ro là một trong những bước đi của BRICS nhằm tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập công cụ tài chính để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính như Châu Âu đang phải hứng chịu hiện nay. Quỹ dự phòng rủi ro của BRICS sẽ hoạt động như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn đầu cơ. Trong khi đó, nếu Ngân hàng phát triển của BRICS ra đời, nó có thể là một đối trọng với thiết chế tài chính quốc tế hàng đầu hiện nay là Ngân hàng Thế giới (WB), vốn bị Mỹ và châu Âu đang chi phối.
Mặt khác, các kết quả của hội nghị này cho thấy BRICS đang tìm cách biến quyền lực kinh tế đang gia tăng của mình thành ảnh hưởng chính trị và ngoại giao đối với thế giới nhằm đáp trả các hành động của phương Tây. Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi giải quyết bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran "bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao", đồng thời phản đối việc phương Tây kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc năm 2011, các nhà lãnh đạo BRICS đã thống nhất lập trường phản đối việc sử dụng vũ lực ở Lybia.
Trong tuyên bố phát hành sau hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đã nhấn mạnh mục tiêu đưa BRICS trở thành một cơ chế phối hợp thường xuyên và dài hạn trong các vấn đề then chốt về kinh tế và chính trị toàn cầu. Hội nghị kêu gọi thiết lập thế cân bằng hơn đối với kinh tế thế giới và dân chủ hơn trong quan hệ quốc tế, đồng thời tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế.
Nhận định về vai trò của BRICS, chuyên gia người Nga Georgy Toloraya cho rằng, BRICS có thể trở thành “người thay đổi cuộc chơi và ổn định thế giới” trong tương lai.
Những rào cản
Mặc dù vai trò và ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế đã liên tục gia tăng trong thời gian gần đây nhưng theo các chuyên gia phân tích, để nhóm này có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc xác lập trật tự thế giới mới, các nước thành viên cần phải vượt qua những thách thức do sự khác biệt về hệ thống chính trị, các mâu thuẫn về lợi ích và các cuộc tranh chấp lãnh thổ gây ra.
Mâu thuẫn này thể hiện rõ trong các cuộc bỏ phiếu gần đây để bầu người lãnh đạo của WB và IMF. Các nước BRICS đã không đạt được đồng thuận để giới thiệu một ứng cử viên chung trong cuộc đua vào các chiếc ghế lãnh đạo của hai thể chế tài chính quan trọng bậc nhất trên thế giới hiện nay. Do vậy, BRICS đã đánh mất cơ hội tuyệt vời để giành chức Tổng Giám đốc IMF vào tháng 6/2011 và sau đó là Chủ tịch WB vào tháng 4/2012.
Các mâu thuẫn này tiếp tục bộc lộ tại cuộc thảo luận về việc thành lập ngân hàng phát triển BRICS ở cuộc họp vừa qua. Các nước BRICS vẫn bất đồng về vấn đề vốn hoá, tỷ lệ đóng góp của các nước thành viên, các dự án được cấp vốn và địa điểm đặt trụ sở của ngân hàng. Theo dự kiến, họ sẽ tiếp tục thảo luận để có thể hoàn tất kế hoạch này tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nga vào tháng 9 tới.
Có thể thấy, đằng sau sự thống nhất bề ngoài được thể hiện tại các hội nghị thượng đỉnh của BRICS hay G20, BRICS vẫn là một tập hợp của những nước có hệ thống chính trị và lợi ích khác nhau, và thậm chí có cả những mâu thuẫn khó giải quyết. Chẳng hạn, Trung Quốc – nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ - đã tìm mọi cách để ngăn chặn nỗ lực tìm kiếm chiếc ghế thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của New Dehli. Hai nước hiện đang cạnh tranh quyết liệt để tranh giành ảnh hưởng ở châu Á.
Trong bối cảnh đó, có thể thấy, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua các bất đồng hiện nay và trở thành nhân tố không thể thiếu trong việc xác lập một trật tự thế giới mới./.