Lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ngày 5/9 bày tỏ lo ngại về những thông tin liên quan việc Mỹ nghe lén các nước khác, cũng như khả năng tấn công quân sự chống Syria.

nhom-brics.jpg
Lãnh đạo nhóm BRICS nhóm họp tại St.Petersburg (Ảnh: G20.org)

Phát biểu trên được người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra sau cuộc gặp của lãnh đạo nhóm BRICS bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở thành phố St. Peterburg của Nga.

Ông Peskov nhấn mạnh: “Một số lãnh đạo tham dự hội nghị bày tỏ lập trường rõ ràng và cứng rắn đối với những thông tin nghe lén nhằm vào một thành viên của nhóm BRICS. Sự thật về gián điệp điện tử, về việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác có thể được so sánh như chủ nghĩa khủng bố”.

Người phát ngôn điện Kremlin không nói rõ nước thành viên của nhóm BRICS là Brazil bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nghe lén.

Trước đó ngày 2/9, Brazil đã triệu đại sứ Mỹ đến để yêu cầu giải thích về việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ từng theo dõi các dữ liệu trên mạng internet của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Thông tin này được đăng tải trên kênh truyền hình Globo của Brazil.

Đề cập tình hình Syria, người phát ngôn điện Kremlin cho biết, các nhà lãnh đạo nhóm BRICS nhất trí rằng, chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có quyền đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ lực.    

“Chỉ có một tổ chức quốc tế duy nhất đó là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có quyền đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ lực. Quốc hội Nga hay Quốc hội Mỹ hoặc cơ quan lập pháp của bất kỳ nước nào trên thế giới đều không có quyền đưa ra quyết định như vậy. Nếu họ đưa ra quyết định dùng vũ lực, thì quyết định đó là vi phạm luật pháp quốc tế”, ông Peskov nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở St.Petersburg, cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama đều muốn tranh thủ sự ủng hộ của các nước về vấn đề Syria với hai lập trường đối lập nhau. Trong khi phía Mỹ đang “ráo riết” chuẩn bị cho hành động can thiệp quân sự vào Syria, thì Nga nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp đó. Dự kiến vấn đề Syria sẽ tiếp tục “làm nóng” hội nghị G20 lần này./.