Trở về từ Brussels sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, với việc thuyết phục được lãnh đạo các nước thành viên còn lại đồng ý gia hạn Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (22/3) vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Bà tiếp tục phải đối mặt với một trọng trách không kém phần khó khăn là thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận chia tay. Đây là một điều kiện mà Liên minh châu Âu đặt ra để gia hạn Brexit, song lại 2 lần bị các nghị sĩ Anh bác bỏ.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Daily Express. |
Trong một bức thư gửi tới các nghị sĩ, Thủ tướng Theresa May hôm 22/3 cảnh báo có thể từ bỏ nỗ lực thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu lần 3 tại cơ quan lập pháp Anh đối với thỏa thuận chia tay nếu nhận thấy không thể đạt được đa số ủng hộ cần thiết. Cảnh báo cũng đồng thời mở ra nhiều khả năng cho tương lai của tiến trình Brexit, cũng như của nước Anh, trong đó có trì hoãn lâu hơn Brexit.
Nhóm họp trong 2 ngày 21 và 22/3 tại thủ đô Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đồng ý gia hạn Brexit đến ngày 22/5 thay vì 29/3 như kế hoạch ban đầu, song với điều kiện Nghị viện Anh phải thông qua thỏa thuận chia tay vào tuần tới hoặc tới ngày 12/4 trong trường hợp ngược lại. Những nước này cũng cảnh báo, Anh đang đứng trước cơ hội cuối cùng để rời Liên minh châu Âu một cách có trật tự. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng tôi sẽ chờ đợi những gì quốc hội Anh sẽ quyết định. Hiện tại chúng tôi đã ngăn chặn một Brexit cứng vào ngày 29/3, song thời hạn tương đối chặt chẽ nên Vương quốc Anh sẽ phải làm rõ con đường nào họ muốn đi.”
Thủ tướng Theresa May đã 2 lần nỗ lực thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận, song đều thất bại và để có thể đảo ngược được kết quả, vị nữ lãnh đạo Anh cần phải thuyết phục được thêm 75 nghị sĩ.
Tuy nhiên, tại Brussels, các nhà lãnh đạo châu Âu lại đang cho thấy sự hoài nghi đối với cơ hội thành công của mình trong lần đặt cược này. Theo nhiều nguồn tin, trước khi tới Brussels để họp với các đồng minh châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố, cơ hội thành công của Thủ tướng Theresa May là 10% trước khi giảm xuống còn 5% sau cuộc họp. Nhà lãnh đạo Pháp cũng không quên cảnh báo những hậu quả mà người dân Anh sẽ phải hứng chịu trong trường hợp không có thỏa thuận: “Thật đáng tiếc là trong trường hợp không có thỏa thuận, người dân Anh sẽ là người đầu tiên bị ảnh hưởng. Họ sẽ hứng chịu những hậu quả tiêu cực của việc rời khỏi thị trường châu Âu, của khủng hoảng kinh tế và của những tác động kinh tế mà thiệt hại của nó chúng ta hoàn toàn có thế tính toán được.”
Thủ tướng Anh cảnh báo từ bỏ nỗ lực bỏ phiếu lần 3 về Brexit
Tại Anh, đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland hôm 22/3 đã chỉ trích “thất bại đáng thất vọng và không thể tha thứ” của Thủ tướng Theresa May. Ý kiến của đảng này đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của vị nữ lãnh đạo Anh nhằm thúc đẩy thỏa thuận chia tay được thông qua tại Nghị viện.
Trong một diễn biến liên quan, tối 22/3, nhật báo Điện tín hàng ngày cho biết, Thủ tướng Theresa May có thể đề xuất các nghị sĩ bỏ phiếu về việc giữ nước Anh lại trong một liên minh hải quan với Liên minh châu Âu. Nếu được xác nhận thì đây là một sự bác bỏ rõ ràng những giới hạn đỏ nhà lãnh đạo Anh lâu nay vẫn đặt ra trong tiến trình đàm phán khó khăn kéo dài với các nhà lãnh đạo châu Âu. Song điều này lại giúp tránh “điều khoản chốt chặn”, một cơ chế được sử dụng trong trường hợp các bên không thể đi tới một giải pháp tốt nhất nhằm tránh phải tái thiết lập một đường biên giới vật lý hay còn gọi là biên giới cứng giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland. Tờ nhật báo cũng nhắc tới những lời kêu gọi bà Theresa May từ chức ngày một tăng từ các thành viên trong chính chính phủ của bà.
Hôm nay (23/3) tại thủ đô London sẽ diễn ra một cuộc biểu tình nhằm yêu cầu một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về Brexit, dự kiến có sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Song song với đó, một đơn kiến nghị trên mạng yêu cầu chính phủ chấm dứt tiến trình rời Liên minh châu Âu đã thu thập được hơn 3 triệu rưỡi chữ ký, trong khi ngưỡng cần thiết đề vấn đề được đưa ra tranh luận tại Nghị viện là 100.000. Tòa án Công lý châu Âu hồi cuối năm 2018 đã ra phán quyết rằng một quốc gia có thể đơn phương rút lại quyết định rời Liên minh châu Âu mà không cần tham vấn với các quốc gia thành viên khác./.