Một số thì phản đối mạnh mẽ, trong khi số khác dù đồng ý, song lại đi kèm với các điều kiện. Đây cũng dự kiến sẽ là vấn đề làm nóng nghị trường tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu khai mạc hôm nay tại thủ đô Brussels, Bỉ.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: BBC. |
Nhằm tránh cho nước Anh phải rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận, Thủ tướng Anh Theresa May đã lựa chọn đề nghị Liên minh châu Âu gia hạn điều 50 Hiệp ước Lisbon về việc Anh rời Liên minh châu Âu đến ngày 30/06. Quyết định cuối cùng hiện phụ thuộc vào 27 quốc gia thành viên còn lại của khối.
Đối với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, việc gia hạn này là có thể, song với điều kiện các nghị sĩ Anh phải thông qua thỏa thuận “chia tay” đàm phán trước đó với Liên minh châu Âu. Văn kiện đã 2 lần bị nghị viện Anh bác bỏ.
“Với các cuộc tham vấn mà tôi đã tiến hành trong những ngày qua, tôi cho rằng, một sự gia hạn ngắn là có thể. Song điều này phải đi kèm với một cuộc bỏ phiếu tích cực tại Nghị viện Anh đối với thỏa thuận chia tay. Và câu hỏi vẫn còn để ngỏ liên quan tới thời gian gia hạn”, ông Tusk nói.
Ngược lại, Pháp cảnh báo, nước này phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự gia hạn nào đối với tiến trình Brexit. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, việc gia hạn Brexit chỉ có ý nghĩa nếu điều này có thể dẫn tới một tiến trình Brexit có trật tự.
Trong nội bộ nước Anh, tình hình cũng không kém phần rối ren. Nếu như trước đây từng cảnh báo vị nữ lãnh đạo của mình rằng, chiến thuật dồn họ vào chân tường để thông qua thỏa thuận vào phút chót sẽ là một sự “phủ nhận” đối với nền Dân chủ, thì hiện nay các nghị sĩ Anh lại đang đứng trước rất ít lựa chọn. Một là các nghị sĩ phải chấp nhận rời Liên minh châu Âu đúng thời hạn vào ngày 29/03 tới song sẽ không có thỏa thuận, hai là rời đi một cách có trật tự với việc thông qua thỏa thuận mà họ đã hai lần bác bỏ hoặc 3 là không có Brexit nào cả.
Tối qua (20/3), Thủ tướng Theresa May đã có cuộc gặp với các lãnh đạo đối lập và sau đó phát biểu từ Văn phòng Thủ tướng trên phố Downing, vị nữ lãnh đạo một lần nữa khẳng định quyết tâm dẫn dắt thành công tiến trình Brexit, kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận chia tay. Theo bà, Nghị viện đã làm đủ mọi cách để trốn tránh việc đưa ra một lựa chọn và giờ là lúc phải đưa ra quyết định.
“Quốc hội cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định về Brexit vì công chúng Anh đã mệt mỏi với những cuộc tranh cãi nội bộ và các trò chơi chính trị. Tôi rất hi vọng các nghị sĩ sẽ ủng hộ thỏa thuận mà tôi đã đàm phán với Liên minh châu Âu, đáp ứng được kết quả cuộc trưng cầu ý dân và là thỏa thuận tốt nhất có thể thương lượng. Tôi sẽ tiếp tục làm việc ngày đêm để bảo đảm nhận được sự ủng hộ đối với thỏa thuận. Nhưng tôi không sẵn sàng trì hoãn Brexit hơn nữa sau ngày 30/6”, Thủ tướng May nói.
Những diễn biến căng thẳng gần đây đang tạo ra bầu không khí bực tức, thất vọng bao trùm chính trường Anh và thậm chí có thể sẽ bị đẩy lên cao trào trong những ngày tới. Nếu như sức ép bủa vây Thủ tướng May ngày một lớn, thì sức ép với các nghị sĩ cũng không hề ít. Ngày càng có đông người biểu tình tập trung bên ngoài cung điện Westminster, nơi Quốc hội Anh nhóm họp để phản đối Brexit. Một số ý kiến chỉ trích cho rằng, các nghị sĩ Anh chỉ biết “cái mình không muốn”, đó là không muốn một Brexit không thỏa thuận, mà không biết “mình muốn gì” nên mới dẫn đến tình trạng bế tắc hiện nay./.