Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở khu nghỉ dưỡng Davos của Thụy Sĩ đã bế mạc ngày 26/1 sau 3 ngày làm việc, với cảnh báo còn rất nhiều việc cần phải làm để ổn định và phục hồi nền kinh tế thế giới.

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, viễn cảnh về sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào việc giới lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và EU có đưa ra được những quyết định đúng đắn hay không.

Bà Christine Lagarde hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới không nên chủ quan sau khi Eurozone đạt được thỏa thuận thành lập Hệ thống chung giám sát các ngân hàng và chính quyền Mỹ tránh được "vách đá tài chính". 

Tuy ghi nhận hai nền kinh tế Italy và Tây Ban Nha đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất, song bà Christine Lagarde cho rằng, 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu vẫn phải từng bước ngăn không cho những xáo trộn và rắc rối ở các ngân hàng trở thành gánh nặng cho chính phủ.

Bà đánh giá cao việc các nước Eurozone đã thành lập được Hệ thống chung giám sát các ngân hàng, tuy nhiên các nước thành viên cần phải sử dụng hiệu quả tất cả các công cụ sẵn có. Ngoài ra, bà Christine Lagarde cũng cho rằng giới chức Mỹ cần sớm thoát khỏi bất đồng xoay quanh những tranh cãi kéo dài trong Quốc hội.

lagard.jpg
Bà Christine Lagarde cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới không nên chủ quan (Ảnh Reuters)

Bà Lagarde cũng thể hiện sự quan tâm đến những chính sách quyết liệt mà Nhật Bản triển khai trong tuần này nhằm kích thích nền kinh tế trì trệ như "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường. Hành động này tương tự những biện pháp mà Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện trong những năm gần đây.

Trong cuộc điện đàm với các đại biểu tham gia Diễn đàn Davos, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định chính sách mà ông mô tả là "liệu pháp" trên, đồng thời phủ nhận cáo buộc của một số nhà phê bình cho rằng chính phủ của ông đã gây quá nhiều áp lực lên Ngân hàng Nhật Bản.
Đề cập vấn đề tiền tệ, các đại biểu Diễn đàn Davos cho rằng trong ngắn hạn, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa có khả năng thay thế đồng USD, trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Trong khi đó, các đại biểu Mỹ tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ, tuy đã cải cách cơ chế tỷ giá hối đoái song vẫn định giá quá thấp đồng Nhân dân tệ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, dẫn tới thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc. 

Tâm trạng chung trong ba ngày làm việc liên tục của các đại biểu dự Diễn đàn Davos là sự lạc quan một cách thận trọng về kinh tế thế giới phục hồi. Trong thời gian diễn ra hội nghị của Diễn đàn Davos, IMF đã công bố báo cáo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013, dự đoán kinh tế thế giới thể đạt tăng trưởng 3,5% so với mức tăng trưởng 3,2% của năm 2012, trong khi tăng trưởng của các nước Eurozone sẽ giảm 0,2% thay vì tăng 0,2% như dự báo trước đó, và khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014.

Theo IMF, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2-2,1% năm 2013 và 3% trong năm 2014. Với kinh tế Nhật Bản, IMF dự báo nước này sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2013. Trong khi đó, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 8,2% trong năm nay, và của Ấn Độ là 5,9%./.