Thực trạng nền kinh tế châu Âu cũng như vấn đề Anh ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong ngày làm việc thứ 3 của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở thành phố Davos của Thụy Sĩ. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo nếu Anh rời bỏ EU sẽ gây ra những hậu quả không chỉ với Anh mà với cả châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu tại Diễn đàn Davos (Ảnh: AP) |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng David Cameron cho biết, việc ông đưa ra những đề xuất cải cách quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu là cần thiết cho cả châu Âu và nước Anh. Ông Cameron tái khẳng định cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh: “Chúng ta hãy thảo luận về mô hình phát triển mới của châu Âu cũng như của nước Anh và chúng ta cần một sự đồng thuận để tiếp tục phát triển. Đây không chỉ là quyền lợi của nước Anh và cũng là sự cần thiết đối với châu Âu”.
Thủ tướng Cameron mong muốn có cuộc cải cách khẩn cấp để giúp EU trở nên cạnh tranh hơn, linh hoạt hơn và bảo đảm Anh có vị trí vững chắc trong đó, đồng thời hối thúc lãnh đạo lục địa già ủng hộ kế hoạch của ông.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảnh báo, nếu Anh từ bỏ tư cách thành viên của liên minh gồm 27 quốc gia này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định về lâu dài của châu Âu cũng như kinh tế thế giới:
Ông Mark Rutte nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là Anh phải tiếp tục là một phần của Liên minh châu Âu. Nếu nước Anh đứng ngoài Liên minh châu Âu, họ sẽ trở thành một hòn đảo ở Trung Đại Tây Dương, giữa Mỹ và châu Âu”.
Chia sẻ quan điểm trên, Thủ tướng Ireland Enda Kenny nhấn mạnh, Anh sẽ vẫn là trung tâm của Liên minh châu Âu và liên minh này sẽ trở nên mạnh hơn nếu nước này vẫn là một phần trong đó. Trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm nay, Thủ tướng Kenni đã vạch ra một chương trình nghị sự thúc đẩy tăng trưởng, trong đó bao gồm việc hoàn thiện thị trường chung trong các lĩnh vực dịch vụ, năng lượng và số hóa, đồng thời triển khai đàm phán về các thỏa thuận tự do thương mại với Canada, Nhật Bản và Singapore, đặc biệt là bắt đầu tiến trình tự do thương mại với Mỹ. Thủ tướng Kenni cho rằng, đây sẽ là các cơ hội thực sự đối với châu Âu.
Cũng liên quan vấn đề Anh ra đi hay ở lại EU, Thủ tướng Italy Mario Monti bày tỏ tin tưởng rằng người dân Anh sẽ lựa chọn con đường tiếp tục mối quan hệ tế nhị với Brussels, bởi vì quay lưng với EU cũng đồng nghĩa với việc đánh mất nhiều lợi ích kinh tế. Thủ tướng Monti cho rằng, một quốc gia thành viên đơn lẻ sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng: “Không một quốc gia đơn lẻ nào tại châu Âu, kể cả những nước lớn nhất, có thể giữ được đà tăng trưởng hoặc khôi phục tăng trưởng, nếu các chính sách của Liên minh châu Âu không hướng đến tăng trưởng”.
Việc Thủ tướng Anh Cameron kêu gọi cải cách EU và có kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh ra đi hay ở lại khối này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Theo báo chí Đức, nếu Anh ra khỏi EU, trước mắt, nước này sẽ tiết kiệm được 8 tỷ bảng Anh đóng góp cho liên minh. Việc kiểm soát chặt chẽ hơn các ngân hàng sẽ không còn và thị trường tài chính London có thể trở thành "đất thánh" của đầu cơ tài chính. Tuy nhiên, nước này sẽ phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng lớn về chính trị cũng như kinh tế. Người nông dân Anh sẽ phải từ bỏ hàng tỷ tiền trợ giá của EU. Các doanh nghiệp Anh phải đóng thuế nhập khẩu cao nếu họ muốn bán các sản phẩm của mình trong EU./.