Trong bối cảnh một số thành viên Liên minh Châu Âu (EU) chìm ngập trong gánh nặng nợ nần, còn nhu cầu từ hầu như tất cả các nước phát triển suy giảm, bất ổn xã hội gia tăng như là hệ quả của kinh tế yếu kém, phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 42 tại Davos, Thụy Sỹ đã diễn ra sôi nổi với vấn đề tương lai của đồng tiền chung châu Âu.
Với cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng, việc tiếp tục sử dụng đồng euro của 1 số nước thành viên nhất định trong EU là một trong những chủ đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ. Châu Âu bắt đầu sử dụng đồng euro cách đây 10 năm, nhưng mới chỉ sau 1 thập kỷ, đồng tiền chung này đã có những trục trặc. Mặc dù cuộc khủng hoảng nợ công có vẻ như đang lắng dịu dần, nhưng không thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn đã diễn ra sôi nổi khi các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề tương lai đồng euro cũng như cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Nhiều chuyên gia kinh tế tại diễn đàn năm nay cho rằng, lãnh đạo của các nước sẽ tìm ra phương thức để giải quyết vấn đề mà cuộc khủng hoảng nợ công gây ra, vì cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng tới nhiều nước.
Ông George Soros, người sáng lập quỹ Quanta phân tích vấn đề này khía cạnh tổng thể EU cho rằng: “Có một mối nguy hiểm thực sự rằng, đồng euro sẽ làm hỏng sự liên kết chính trị của EU. Điều này sẽ gây ra những căng thẳng cả về kinh tế và chính trị, từ đó dẫn tới phá hủy EU”.
Về vấn đề Hy Lạp, trong khi các đại biểu đều bày tỏ lo ngại về việc Hy Lạp có rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không, Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Zhu Min cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng, Hy Lạp sẽ không rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hy Lạp đang tiến hành đàm phán về nhiều dự án. Vì thế, chúng tôi vẫn hy vọng đưa Hy Lạp trở về đúng đường, và việc “lệch quỹ đạo” sẽ không thể xảy ra. Thậm chí ngay cả khi tình hình trở nên khắc nghiệt hơn, nó cũng không có nghĩa là đồng euro không thể làm được điều gì ngoài việc sụp đổ”.
Với chủ đề “Sự chuyển đổi lớn: Định hình những mô hình mới”, diễn đàn năm nay, diễn ra rừ 25 - 29/1, tiến hành 250 phiên thảo luận tập trung vào các đề tài như các mô hình tăng trưởng và việc làm, các mô hình đổi mới lãnh đạo, các mô hình tài nguyên mang tính lâu dài cũng như các mô hình xã hội và công nghệ.../.