Các chuyên gia Nga mới đây tuyên bố chiếc phi cơ chở khách Boeing MH17 của Malaysia đã bị một máy bay chiến đấu của Ukraine bắn hạ, chứ không phải là nó trúng phải tên lửa đất đối không.

may_bay_mh17_3_rbqv.jpgHình ảnh máy bay MH17, chụp từ vệ tinh
Tuyên bố này xuất hiện sau khi người ta công bố các hình ảnh vệ tinh bị “rò rỉ” cho thấy một quả rocket lao vút về phía máy bay chở khách. Tuyên bố này được đưa lên truyền hình nhà nước của Nga vào tối 14/11.

Người ta khẳng định các bức không ảnh do một vệ tinh của Anh hoặc Mỹ chụp.

Chuyến bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur khi đấy đang ở trên bầu trời khu vực xảy ra xung đột và đã biến mất khỏi màn hình radar. Tổng cộng 283 hành khách, bao gồm 80 trẻ em và 15 thành viên phi hành đoàn đã tử nạn.

Người dẫn chương trình truyền hình Mikhail Leontiev nêu rõ, nguồn cung cấp các bức ảnh nói trên kết luận rằng các bức ảnh đã cho thấy “cách mà một chiếc phi cơ chiến đấu Mig-29 tiêu diệt một máy bay chở khách Boeing”.

Máy bay lạ phóng rocket
Từ trước đó Nga đã lập luận rằng một máy bay không nhận diện rõ đã xuất hiện gần thời điểm MH17 rơi, và cả phương Tây lẫn Ukraine cố gắng phớt lờ sự thực này.

Người dẫn kênh truyền hình Channel One thuộc sở hữu Nhà nước Nga nói: “Hôm nay chúng ta có tất cả cơ sở để cho rằng những người cố tình hủy diệt chiếc máy bay đã phạm một tội ác. Những kẻ cố tình làm ngơ dù biết đầy đủ thông tin cũng phạm phải tội đó”.

Buổi truyền hình đặc biệt xuất hiện ngay trước cuộc họp các lãnh đạo phương Tây tại Hội nghị G20 ở Australia. Trong các vị lãnh đạo này, Thủ tướng Anh David Cameron có thái độ rất cứng rắn đối với Tổng thống Nga Putin về vấn đề rơi máy bay.

Chương trình truyền hình này đã phủ nhận giả thiết về một quả tên lửa BUK đã gây ra thảm kịch hàng không nói trên.

MC Leontiev nhấn mạnh: “Nói tóm lại, không có dấu hiệu về BUK và về một vụ phóng nào đó từ mặt đất. Không có nhân chứng nào, kể cả người chuyên nghiệp và người nghiệp dư, xác nhận giả thiết đó”.

Ivan Adrievskiy, phó chủ tịch Liên minh Kỹ sư Nga, nói: “Chúng tôi thấy một bức ảnh chụp từ vũ trụ ở quỹ đạo thấp. Thường thì những bức ảnh như vậy được chụp phục vụ mục đích trinh sát trên không hoặc mặt đất. Dựa trên tọa độ của bức ảnh, chúng tôi cũng cho rằng hình ảnh này là do một vệ tinh Anh hoặc Mỹ chụp”.

Ivan Adrievskiy nói tiếp: “Chúng tôi đã nghiên cứu bức ảnh một cách chi tiết và không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy đó là ảnh giả”.

Người ta trích lời một “chuyên gia” có tên George Bilt khẳng định chiếc Boeing MH17 đã bị bị một chiếc tiêm kích bắn rơi khỏi bầu trời từ phía sau.”

Tổng thống Putin tố cáo giới chức Ukraine thường xuyên pháo kích vào địa điểm rơi MH17 vào đầu tuần này./.