Các dữ liệu mới từ radar cho thấy máy bay quân sự đã bay trong khoảng không gần chiếc phi cơ chở khách MH17 của Hàng không Malaysia vào thời điểm chiếc phi cơ xấu số này rơi ở miền đông Ukraine vào ngày 17/7.

Một cơ quan tư vấn về an toàn hàng không Nga cung cấp thông tin về các dữ liệu được một đài radar thu được ở vùng Rostov của Nga, gần biên giới với Ukraine - các dữ liệu này được ghi ngay trước khi MH17 rơi và khoảng 20 phút sau khi xảy ra tai nạn.

duong_bay_mh17_va_may_bay_quan_su_lfbr.jpgCác điểm xanh thể hiện máy bay quân sự, đường màu tím thể hiện đường bay của MH17 (ảnh: aviasafety.ru)
Theo ông Sergey Melnichenko, Tổng Giám đốc của hãng tư vấn An toàn Hàng không, có tầm một hoặc hai chiếc phi cơ quân sự bay gần chiếc máy bay chở khách. Các dữ liệu mới này đã đặt ra nghi vấn đối với các giả định của phương Tây cho rằng chiếc máy bay bị bắn từ dưới mặt đất, bằng tên lửa đất đối không hiện đại do phe đối lập Ukraine bắn đi.

Ông Sergey Melnichenko nói với tờ báo Moskovsky Komsomolets rằng dữ liệu “được lấy từ một trung tâm kiểm soát không lưu ở Rostov”. Ông này khước từ tiết lộ đó là trung tâm nào và liệu đó là dân sự hay quân sự. Tuy nhiên Melnichenko cam đoan “chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào các nguồn tin này”.

Melnichenko nói thêm với tờ nhật báo: “Dữ liệu rõ ràng cho thấy vào thời khắc máy bay rơi và sau đó, có các máy bay dịch chuyển về phía bắc đường bay của chiếc Boeing. Nhiều khả năng đó là máy bay quân sự, bởi vì các điểm trên radar rất gần nhau. Kết luận là có một hoặc hai phi cơ tại khu vực đó trên không”.

Một chỉ dấu khác khẳng định các máy bay khả nghi trên là máy bay quân sự, là chúng đã không hồi đáp lại radar, ông Melnichenko nói. Ông giải thích thêm, máy bay dân sự bao giờ cũng hồi đáp lại các tín hiệu từ radar còn máy bay quân sự “thường không được trang bị các thiết bị truyền-đáp, hoặc nếu có thì các phi công tắt các thiết bị đó lúc thực hiện hoạt động bay chiến đấu”.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, theo logic thì Nga hoặc Ukraine có nhiều khả năng nhất đã gửi máy bay chiến đấu tới khu vực này vì lực lượng nổi dậy không có máy bay riêng. Tuy nhiên một phi cơ chiến đấu Nga không thể bay qua biên giới mà lại không bị radar NATO và Ukraine phát hiện.

“Không có phản ứng nào cả vì đơn giản là chẳng có gì để phản ứng cả”, Melnichenko nói.

Hiện trường vụ rơi máy bay thảm khốc MH17 (ảnh: RIA)
Vài ngày sau vụ rơi MH17, Bộ Quốc phòng Nga công bố bằng chứng cho thấy họ đã dò thấy tín hiệu một chiến đấu cơ Ukraine gần chiếc Boeing tại thời điểm xảy ra thảm kịch. Kiev phủ nhận đã triển khai bất cứ chiếc phản lực cơ nào vào ngày hôm đó, nhưng trước đó họ thường xuyên sử dụng không quân để đánh phá các vị trí của quân nổi dậy.

Theo Melnichenko, dữ liệu mới nhất quán với các thông tin do quân đội cung cấp. Ông nói: “Dữ liệu của chúng ta còn chính xác hơn một chút… bên quân đội không cung cấp thông tin về đường bay rõ như vậy. Nhưng có lẽ, họ cố tình làm thế”.

Vị chuyên gia này nói thêm rằng, việc phi cơ quân sự bay về phía bắc của chiếc Boeing chở khách có nghĩa rằng các phi cơ này nằm về trái của MH17. Mà các bức ảnh chụp hiện trường rơi máy bay thì cho thấy hư hại đối với mạn trái của buồng lái, điều này phù hợp với kịch bản một cuộc tấn công do các phi cơ quân sự thực hiện.

Tất cả 298 người trên khoang máy bay MH17 đã tử nạn khi nó rơi vào ngày 17/7, ở khu vực chiến sự thuộc vùng Donetsk, Ukraine.

Hai phe trong xung đột ở đây tố cáo lẫn nhau đã bắn hạ chiếc máy bay xấu số. Kiev và phương Tây cho rằng MH17 bị bắn hạ bằng một hệ thống tên lửa BUK được đưa từ Nga sang. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng xác đáng về điều này.

Theo website của hãng tư vấn An toàn Hàng không nói trên thì hãng này cung cấp dịch vụ tư vấn và phân tích trong lĩnh vực an toàn hàng không cho các nước thành viên thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) được thành lập khi Liên Xô tan rã./.