Ngày 10/11, Hà Lan đã tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia cho 298 người đã thiệt mạng trong chuyến bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine hồi tháng 7 năm nay.

5881018_3x2_700x467_evqs.jpgHơn 1.600 người thân các nạn nhân vụ MH17 tham dự buổi lễ tưởng niệm (Ảnh ABC)

Khắp nơi trên đất nước Hà Lan cũng như các cơ quan ngoại giao tại Hà Lan đều treo cờ rủ trong ngày 10/11. Trong khi đó, giới chức Hà Lan tiếp tục kêu gọi việc tiếp cận hiện trường vụ tai nạn để tiếp tục điều tra nguyên nhân thảm họa này.

Buổi lễ tưởng niệm diễn ra tại thủ đô Amsterdam vào lúc 12 giờ GMT (tức 19 giờ theo giờ Việt Nam), với sự tham gia của Nhà Vua Hà Lan Willem Alexander, Hoàng hậu Maxima và Thủ tướng Mark Rutte cùng 1.600 người là người thân và bạn bè của các nạn nhân.

Đại sứ của 16 nước có công dân thiệt mạng cũng tham dự buổi lễ. Buổi lễ được phát trực tiếp trên truyền hình và đài phát thanh. Tên của toàn bộ những nạn nhân đã thiệt mạng trong thảm họa ngày 17/7, trong đó có 193 người Hà Lan, được đọc tại buổi lễ tưởng niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng, gia đình và bạn bè của những người thiệt mạng trong vụ tai nạn đã trải qua sự đau khổ tột cùng khi thảm họa xảy đến quá bất ngờ. Họ cần nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ tất cả mọi người để vượt qua thảm họa này.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại buổi lễ (Ảnh News Locker)

Thủ tướng Mark Rutte nói: “Tất cả mọi người đã cùng chia sẻ cảm xúc đau buồn trong những ngày xảy ra thảm họa và suốt nhiều tuần sau đó. Chúng ta đã trải qua cảm giác khủng khiếp khi mà một cái chết đến quá bất ngờ, vì thế, tất cả chúng ta chia sẻ cùng nhau để sớm vượt qua cú sốc này”.

Trong buổi lễ, những người thân và bạn bè nạn nhân lặng lẽ đặt hoa tưởng niệm bên cạnh 298 ngọn nến, tượng trưng cho 298 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn thảm khốc.

Bé Gita Wiegel, 13 tuổi, người Hà Lan, đã mất mẹ trong vụ tai nạn, nhớ lại lúc ôm mẹ của mình tại sân bay Schipol ngay trước khi mẹ lên máy bay: “Có quá nhiều điều cháu vẫn muốn làm cùng mẹ. Ngày 17/7, ngày thảm họa đã xảy ra. Tại sân bay Schipol, mẹ con cháu cùng ngồi uống nước, chụp ảnh, và khi mẹ đến cổng lên tàu, hai mẹ con đã ôm nhau, cười nói và cả khóc nữa. Cảm giác cháu phải nhớ mẹ suốt 4 tuần mẹ đi vắng thật tồi tệ”.

Gần 4 tháng sau thảm họa, khoảng 50 gia đình các nạn nhân vẫn chờ đợi trong đau đớn để có đủ các phần thi thể người thân của mình để tổ chức tang lễ, trong khi có 9 nạn nhân trên chiếc máy bay Boeing 777 gặp nạn hoàn toàn không tìm thấy một phần thi thể nào tại hiện trường vụ tai nạn.

Trong chuyến thăm Malaysia hồi tháng trước, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nói rằng, các nhà điều tra Hà Lan khó có khả năng tiếp cận khu vực hiện trường vụ tai nạn MH17 do các cuộc giao tranh không ngừng ở miền Đông Ukraine và mùa đông đang đến gần.

Cũng trong ngày 10/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc chính quyền Ukraine can thiệp vào cuộc điều tra vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Razak bên lề một Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ông Putin bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng đối lập thân Nga đang gây cản trở cuộc điều tra này.

Theo ông Putin, thông tin cho rằng hiện trường rơi máy bay hiện do lực lượng đối lập thân Nga kiểm soát là hoàn toàn vô căn cứ. Các vụ nã pháo vào khu vực này là do đại diện các đơn vị quân đội khác nhau đang ủng hộ chính quyền Ukraine thực hiện.

Ông Putin còn nhấn mạnh, Nga ủng hộ một cuộc điều tra đầy đủ và công bằng vụ rơi máy bay MH17. Còn Thủ tướng Malaysia Najib Razak viện dẫn kết quả điều tra sơ bộ cho thấy máy bay này bị bắn hạ bởi “một vật thể có sức công phá lớn” chứ không phải do lỗi kỹ thuật, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng nhất là được tiếp cận khu vực máy bay rơi./.