Xung đột đẫm máu giữa chính phủ lâm thời Ai Cập và những người biểu tình Hồi giáo tiếp tục leo thang với nhiều vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu an ninh và chính phủ. Điều này cho thấy, chính quyền lâm thời tại nước này chưa thành công trong việc kiểm soát an ninh sau 3 tháng nắm quyền, cũng như sự đối đầu ngày càng quyết liệt giữa chính phủ và lực lượng Hồi giáo.

Nhiều nước bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao chính trị sâu rộng tại quốc gia Bắc Phi này.

egypt1.jpg
Quân đội Ai Cập trấn áp bạo lực (Ảnh: AFP)

3 vụ tấn công tại Ai Cập ngày 7/10 đã làm 6 binh lính thiệt mạng. Một quả bom phát nổ gần khu vực nghỉ dưỡng Biển Đỏ cũng làm 2 cảnh sát thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Một vụ tấn công tại thủ đô Cairo, phá hủy một phần của hệ thống vệ tinh viễn thông.

Kể từ khi Tổng thống Mohammed Morsi bị phế truất, các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh cũng không phải hiếm tại khu vực Bắc Sinai. Tuy nhiên, vụ đánh bom  tại thị trấn El Tur phía nam Sinai ngày 7/10 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạo lực đang ngày càng lan rộng và có thể sẽ tác động đến khu vực được coi là trụ cột của nền kinh tế Ai Cập-các khu nghỉ dưỡng gần Biển Đỏ.

Ngay sau các vụ tấn công, Ai Cập đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại sân bay quốc tế Cairo và nâng mức báo động an ninh. Các vụ tấn công này diễn ra 1 ngày sau các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình làm 53 người thiệt mạng.

Cộng đồng quốc tế ngay lập tức lên án tình hình bạo lực gia tăng tại Ai Cập trong mấy ngày qua, đồng thời kêu gọi thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao tại Ai Cập.

Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki - moon lên án bạo lực tại Ai Cập, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải biểu tình hòa bình, tôn trọng các quyền tự do và cam kết không bạo lực. Theo ông Ban Ki - moon, các lực lượng chính trị cần phải chia sẻ trách nhiệm chấm dứt bạo lực gia tăng và tránh sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình.

Anh, Pháp, Mỹ cũng bày tỏ lo ngại tình hình gia tăng tại Ai Cập và kêu gọi các bên kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói: “Nước Mỹ không ủng hộ cho một bên hay đảng nào tại Ai cập. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các bên tại chính phủ Ai Cập cần phải chấm dứt các hành vi cấm đoán người biểu tình mang mục đích chính trị. Những người biểu tình và lực lượng đối lập cũng cần phải có trách nhiệm và là một phần trong quá trình thực hiện này. Rõ ràng là các bên phải có trách nhiệm cho riêng mình. Điều này mang lại lợi ích cho chính họ”.

3 tháng sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, những vụ bạo lực mới nhất cho thấy chính phủ lâm thời đã chưa thành công trong việc kiểm soát lực lượng Hồi giáo mặc dù đã bắt giữ các thủ lĩnh của Tổ chức này cũng như có các tuyên bố cứng rắn nhằm vào người biểu tình.

Trong khi đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng thể hiện quyết tâm kháng cự đến cùng thông qua các cuộc biểu tình. Cơ quan tư vấn Nhà nước (SCA) ngày 7/10 đề nghị Chính phủ Ai Cập giải tán Đảng Tự do và Công lý (FPJ), nhánh chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Mặc dù kiến nghị của cơ quan này không mang tính chất ràng buộc nhưng có thể đổ dầu vào ngọn lửa giận giữ của người Hồi giáo, khiến bạo lực gia tăng. Theo chuyên gia chính trị Emad Shahin thuộc trường Đại học Mỹ tại Cairo, chưa có bất kì bên nào chiến thắng hoàn toàn trong cuộc khủng hoảng kéo dài mấy tháng qua tại Ai Cập và cũng không bên nào chịu nhượng bộ. Điều này có thể khiến Ai Cập tiếp tục lâm vào một giai đoạn bất ổn mới./.