Các cuộc biểu tình của cả những người ủng hộ và phản đối Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đã diễn ra trên khắp Ai Cập.

Đụng độ nổ ra sau đó giữa những người biểu tình với cảnh sát. Biểu tình bạo lực tái diễn là một dấu hiệu xấu cho tiến trình chuyển giao dân sự tại quốc gia Bắc Phi này.

Hàng nghìn thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo hôm 6/10 đã tập trung tại thủ đô Cairo và tiến về quảng trường Tahrir trong ngày kỷ niệm 40 năm Ai Cập chiến thắng Israel, giải phóng Bán đảo Sinai.

Biểu tình rộ lên tại thủ đô Cairo hôm 6/10 (Ảnh AFP)

Từ nhiều thành phố và các khu vực lân cận Cairo, người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi cũng đổ về Tahrir. Đụng độ đã xảy ra khi cảnh sát ngăn cản đoàn người biểu tình tiến về Tahrir.

Cảnh sát chống bạo động Ai Cập đã sử dụng hơi cay và nổ súng trấn áp người biểu tình. Tại quảng trường Ramses ở thủ đô Cairo, người biểu tình Hồi giáo cũng đã đụng với các cư dân địa phương và đốt lốp xe trên các đường phố.

Theo Bộ Y tế Ai Cập, 45 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại thủ đô Cairo. Bộ Nội vụ Ai Cập cũng cho biết, 423 người biểu tình đã bị bắt giữ tại Cairo.

Biểu tình cũng biến thành bạo lực tại nhiều thành phố khác trên khắp Ai Cập, làm nhiều người chết và gần 270 người bị thương.

Trước đó 2 ngày, diễn biến biểu tình bạo lực tương tự cũng đã nổ ra tại Cairo. Cảnh sát đã buộc phải can thiệp khi đám đông biểu tình đụng độ với những người địa phương, bằng hàng rào dây thép gai, xe bọc thép phong tỏa các tuyến đường và đạn hơi cay để giải tán người biểu tình. Đây là các cuộc đụng độ bạo lực tồi tệ nhất tại Ai Cập kể từ trung tuần tháng Tám vừa qua.

Bất chấp biểu tình bạo động tái diễn, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour và Bộ trưởng Quốc phòng Fattah al-Sisi vẫn tham dự lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Israel, giải phóng Bán đảo Sinai.

Kênh truyền hình nhà nước Ai Cập cho biết, buổi lễ được tổ chức tại sân vận động phòng không ở Cairo, với màn trình diễn ánh sáng, pháo hoa và ca nhạc. Trong khi đó, lực lượng Hồi giáo tại Ai Cập gọi các vụ việc xảy ra hôm qua là "hành động thảm sát mới" chống lại những người biểu tình hòa bình, đồng thời phát động biểu tình trong tuần này và kêu gọi sinh viên tại các trường đại học tham gia biểu tình trong ngày mai để phản đối "các vụ thảm sát vẫn diễn ra tại Ai Cập".

Từ cuối tháng 9, tình trạng bạo lực đã lan sang các trường đại học của Ai Cập. Đụng độ giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối Tổng thống bị phế truất Morsi tiếp tục gia tăng.

Các cuộc biểu dương lực lượng gần đây của phe Hồi giáo dù không thu hút được đông đảo người tham gia như kỳ vọng, song diễn biến biểu tình bạo lực mới nhất hôm qua cho thấy vai trò của Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ không dễ dàng bị gạt bỏ trong xã hội Ai Cập, bất chấp khả năng tổ chức này đang đứng trước nguy cơ bị giải thể.

Giới quan sát cho biết, các cuộc đụng độ chủ yếu xảy ra giữa người biểu tình Hồi giáo và lực lượng an ninh, song sau đó đã nhanh chóng thu hút người dân địa phương tham gia nhằm hỗ trợ cho cảnh sát và quân đội Ai Cập.

Các nhà phân tích cảnh báo, lực lượng Hồi giáo không nhận ra rằng họ sẽ phải “trả giá đắt hơn” nếu biểu tình bạo lực tiếp diễn.

Nhà phân tích chính trị Mohamed Amin nói: “Các nhà lãnh đạo Hồi giáo đang ngày càng có hành động sai lầm. Người Ai Cập nào cũng mong muốn kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử trước Israel, song hành động của phe Hồi giáo đã đẩy họ ra khỏi hoạt động lịch sử này và mục đích chính trị của ngày kỷ niệm”.Biểu tình bạo lực là rào cản lớn nhất để Ai Cập thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp dân sự. Ủy ban sửa đổi hiến pháp, gồm 50 thành viên đại diện cho tất cả các lực lượng chính trị, tôn giáo và xã hội của Ai Cập, cho biết dự thảo hiến pháp đầu tiên dự kiến sẽ được công bố trước kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha- Lễ tế sinh của người Hồi giáo trong tháng 10 này.

Bản dự thảo hiến pháp cuối cùng sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân sau khi được tổng thống phê duyệt. Đây là bước mở đầu để Ai Cập tiến tới tổ chức bầu cử Quốc hội và sau đó là bầu cử Tổng thống vào năm sau.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng thế giới đã một lần nữa kêu gọi người biểu tình Ai Cập không kích động bạo lực. Phát biểu trong chuyến thăm Ai Cập tuần trước, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các lực lượng chính trị ở Ai Cập tham gia tiến trình chuyển tiếp và kêu gọi một cách tiếp cận "toàn diện" để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, chính phủ lâm thời Ai Cập có trách nhiệm bảo vệ người dân và tạo bầu không khí thuận lợi cho tiến trình chuyển tiếp chính trị hòa bình với sự tham gia tối đa của tất cả các đảng phái./.