Ngày 24/9 vừa qua, Tòa án Cairo về các vấn đề khẩn cấp đã ra lệnh cấm mọi hoạt động của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), đồng thời yêu cầu đóng băng tài sản của tổ chức này. Ngay sau đó, chính quyền lâm thời Cairo đã quyết định đóng cửa trụ sở tờ báo Tự do và Công lý của MB. Đây được xem là những động thái mới nhất của Ai Cập nhằm làm suy yếu phong trào của những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.

bieu-tinh-ai-cap.jpg
Những người ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Moris và Tổ chức Anh em Hồi giáo vẫn sôi sục xuống đường biểu tình (Ảnh chụp từ clip, nguồn Press TV)

Thế giới Arab và Hồi giáo

“Thế giới Arab” bao gồm 22 quốc gia thuộc Liên đoàn Arab, là một tập hợp của gần 400 triệu người gồm nhiều bộ tộc sống đan xen nhau trên những vùng đất từ Đại Tây Dương tới Vịnh Persian và từ sa mạc Sahara tới những vùng đồi thấp ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đạo Hồi (Islam) là tôn giáo có ở các châu lục, nhưng chiếm vị trí quan trọng trong thế giới Arab và có thể nói đa số người dân Arab theo đạo Hồi. Tuy không thể đồng nhất người theo Hồi giáo với người Arab, nhưng phần lớn thế giới Arab phụ thuộc nhiều vào những vùng đất thuộc địa hơn là những nhóm dân tộc, nên người Arab thường xếp ưu tiên gắn kết tộc người sau đó mới đến quốc gia.

Giữa thế giới Arab và đạo Hồi có mối quan hệ đan xen lâu đời, nhưng chưa phải là một khối thống nhất; mâu thuẫn điển hình là giữa đạo Hồi dòng Shiite với dòng Sunni và người Ba Tư với người Arab.

Ông Đét-xâu-ki, cựu Bộ trưởng ở Ai Cập nhận định: Có nhiều nguyên nhân gây xung đột trong thế giới Arab như: Cạnh tranh năng lượng; xung đột với Israel; sự suy yếu của các Nhà nước, sự trì trệ của chính trị; và sự can thiệp từ bên ngoài.

Kỷ nguyên thực dân đã kết thúc vào giữa thế kỉ 20, nhưng người Arab vẫn không được độc lập vì lí do dầu mỏ. Có ít nhất bốn quốc gia ngoài Liên đoàn Arab là Mỹ, Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò “tích cực” xây dựng mối quan hệ với thế giới Arab và ảnh hưởng đến chính trường của mỗi nước.

MB lâu đời và tầm ảnh hưởng

 MB là một tổ chức tôn giáo do Hassan el-Banna, một người Hồi giáo Ai Cập sáng lập năm 1928. Thời kỳ đầu, MB hoạt động rao giảng đạo Hồi, mở lớp xóa mù chữ, xây dựng bệnh viện tình thương và mở một số công ty thương mại để có tiền trang trải cho các hoạt động xã hội.

Năm 1936, MB bắt đầu hoạt động chính trị chống lại sự cai trị của thực dân Anh. Và từ đó MB trở thành một phong trào có chi nhánh tại 9 nước Tây Á, 5 nước châu Phi, và ở cả Mỹ. Tại Ai Cập, MB là một tổ chức chính trị đối lập lớn nhất, có tổ chức chặt chẽ và cũng là tổ chức bị chính quyền Ai Cập đàn áp quyết liệt nhất.

Tổ chức “bảo thủ và chống bạo lực” trong quá trình phát triển đã phân ra thành hai luồng tư tưởng khác nhau: phái ôn hòa và phái cực đoan. Tuy nhiên, dù ôn hòa như phái của el-Banna hay cực đoan như phái của Sayed Qotb đều bị chính quyền Ai Cập xử chết. Năm 1949, ông el-Banna bị hai kẻ lạ mặt bắn chết trong lúc đón taxi ở Cairo. Và năm 1966, thủ lĩnh Sayed Qotb bị tòa án Cairo xử treo cổ.

Cuộc đàn áp đặc biệt quyết liệt của chính quyền dưới thời Tổng thống Nasser khi MB bị nghi ngờ là tổ chức ám sát tổng thống, hàng ngàn thành viên MB bị bắt. Đến năm 1971, người kế vị Nasser là ông el-Sadate đã ban bố lệnh ân xá cho các thành viên MB, nhưng 8 năm sau, MB lại bị đàn áp sau khi Tổng thống Sadate ký hòa ước với Israel. Và năm 1981, ông el-Sadate bị một cựu thành viên MB thuộc phái cực đoan ám sát.

Nguy cơ bị gạt khỏi chính trường

Với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử đầu tiên sau làn sóng biểu tình mang tên “Mùa xuân Arab” hồi năm 2011, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã lên nắm vai trò lãnh đạo Ai Cập qua việc ông Mohamed Morsi, một thành viên của phong trào đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, trong cuộc chính biến ngày 3/7 vừa qua, ông Morsi đã bị tước quyền lực, đẩy quốc gia Bắc Phi này vào cuộc khủng hoảng với các cuộc biểu tình quy mô lớn do MB phát động.

Sau hơn 80 năm tồn tại, giờ đây MB đang đứng trước nguy cơ bị giải thể, với việc tòa án Cairo đã ra phán quyết cấm mọi hoạt động của tổ chức này. Mặc dù vẫn cần phải chờ đợi cho tới khi kết thúc toàn bộ quá trình tố tụng đối với các thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, những gì đang diễn ra thời gian vừa qua cho thấy, việc tổ chức MB bị gạt khỏi chính trường Ai Cập là một khả năng thực tế.

Ngay sau phán quyết của Tòa án Cairo, MB đã quyết định chuyển trung tâm truyền thông của mình tới London (Anh). Đồng thời, phong trào này tuyên bố, phán quyết của tòa án Cairo là mang động cơ chính trị, khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục hiện diện tại Ai Cập như một phần không thể tách rời của xã hội Ai Cập.

Giới phân tích cho rằng, việc chính phủ lâm thời mạnh tay với MB rất có thể lại đưa Ai Cập vào một vòng xoáy bất ổn mới khi tổ chức này đang hy vọng về một vai trò chính trị lớn hơn trong thế giới Arab và họ sẽ không dễ gì từ bỏ quyền lực như vậy. Các cuộc biểu tình, tuần hành quy mô lớn thời gian qua đã cho thấy điều đó.

Như vậy, MB được xem là một trong những phong trào Hồi giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arab. Lên cầm quyền chưa được bao lâu ông Mohamed Morsi đã bị giới quân nhân phế truất với tội danh đàn áp người biểu tình, làm suy yếu đất nước… và giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị gạt khỏi chính trường.

Vì thế, vấn đề đặt ra là việc chính quyền lâm thời Ai Cập quyết định gạt bỏ vai trò chính trị của MB trong xã hội Ai Cập có phải là giải pháp tối ưu nhằm sớm ổn định tình đất nước hay lại tạo thêm những nhân tố mâu thuẫn và bất ổn mới. Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước./.