Thái Lan đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc với hàng loạt cuộc biểu tình yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức. Một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này là phe biểu tình cáo buộc Chính phủ có hành vi tham nhũng khi triển khai chương trình trợ cấp giá cao cho nông dân, mà đến nay vẫn chưa thể trả tiền thu mua gạo cho nhiều nông dân.

Mặc dù vậy, nhiều nông dân ở khu vực Đông Bắc Thái Lan vẫn bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ Thủ tướng Yingluck vì Chính phủ của bà có những chính sách vì lợi ích của người nghèo. 

thailan1.jpg
Người biểu tình Thái Lan trên đường phố thủ đô Bangkok (Ảnh: AP)

Chính phủ Thái Lan bắt đầu thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo vào cuối năm 2011. Theo đó, Chính phủ cam kết thu mua thóc gạo của nông dân với mức giá cao hơn khoảng 40-50% so với giá thị trường.

Bộ Tài chính Thái Lan ước tính chương trình trợ giá gạo đã khiến nước này lỗ tới 136,9 tỷ baht trong giai đoạn 2011-2012, và dự kiến trong giai đoạn 2012-2013 sẽ lỗ thêm khoảng hơn 100 tỷ baht nữa.

Chương trình trợ giá gạo khiến gạo của Thái Lan mất tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, do đó số tiền mà Bộ Thương mại thu được khi bán gạo theo các thoả thuận liên Chính phủ không đủ để thanh toán cho nông dân. Chương trình này bị phe đối lập lên án mạnh mẽ vì cho rằng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, làm cho Thái Lan mất đi vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. 

Trong bối cảnh Chính phủ chưa thể huy động được nguồn tiền để trả cho những nông dân đã bán gạo theo chương trình trợ giá trên, Bộ trưởng tài chính Kittiratt Na-Ranong cho biết Chính phủ đang tìm mọi giải pháp giúp đỡ người nông dân.

Ông Kittiratt Na-Ranong nói: “Tôi lạc quan rằng tất cả các bên đều nhận thấy những lợi ích mà nông dân nhận được khi bán gạo theo chương trình trợ giá. Đây là vấn đề mà Chính phủ quan tâm và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giúp nông dân. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên ủng hộ Chính phủ”.

Mặc dù đã xảy ra một số vụ biểu tình của nông dân nhằm yêu cầu Chính phủ trả tiền thu mua gạo cùng với lãi suất cho những người tham gia chương trình này, song nhiều nông dân, nhất là ở khu vực Đông Bắc vẫn bày tỏ sự cảm thông với Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.          

Một nông dân Thái Lan nói: “Chương trình trợ giá gạo mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân. Nhưng Chính phủ chậm chễ trong việc thanh toán tiền. Tôi muốn Chính phủ trả tiền bởi chúng tôi đang phải nợ và cần tiền để trang trải cuộc sống gia đình”.

Người này nói thêm: “Nông dân ở miền Bắc, Trung và Đông Bắc tham gia chương trình trợ giá gạo không cảm thấy bức xúc, vì chúng tôi biết Chính phủ hiện không có đủ thẩm quyền như trước khi Quốc hội bị giải tán”.

Chiếm 1/3 diện tích cả nước và 44% dân số nông thôn, Đông Bắc Thái Lan là khu vực dành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck cũng như anh trai bà cựu thủ tướng lưu vong Thaksin vì những chính sách hướng đến người nghèo.

Cuộc bầu cử sớm hôm qua (26/1) tại miền Bắc, Đông Bắc, miền Trung Thái Lan đã diễn ra mà không gặp trở ngại nào trong khi đa số điểm bỏ phiếu ở Băng Cốc và miền Nam bị gián đoạn do sự cản trở của phe biểu tình.

Đảng Vì nước Thái (Puea Thai) của bà Yingluck đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 với sự cách biệt lớn so với đảng đối lập, chủ yếu do được ủng hộ của cử tri ở khu vực Bắc và Đông Bắc. Đảng Dân chủ đối lập đã không chiến thắng từ năm 1992 đến nay. Đây cũng chính là lý do mà thủ tướng tạm quyền Yingluck quyết tâm tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 2/2 tới bất chấp làn sóng phản đối của phe biểu tình./.