Tờ The New York Times đưa tin, hàng trăm nghìn người đã bị cản trở tham gia bỏ phiếu hôm 26/1 tại miền Nam Thái Lan và 1 số khu vực ở Bangkok khi những người biểu tình chống chính phủ phong tỏa các địa điểm bỏ phiếu, đe dọa cử tri.

thailand1-1.jpg
Những người biểu tình tấn công cử tri bên ngoài 1 địa điểm bỏ phiếu ở Bangkok (Ảnh: Reuters)

Trong ngày diễn ra cuộc bầu cử sớm, một trong số các lãnh đạo của lực lượng biểu tình là ông Suthin Tharatin đã bị một tay súng không rõ danh tính bắn chết khi ông này cố gắng ngăn chặn cử tri tham gia bỏ phiếu, vụ việc cũng khiến 11 người khác bị thương.

Theo thống kê, có khoảng 2 triệu người trong tổng số khoảng 48 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu sớm trong ngày chủ nhật (26/1). Theo dự đoán của giới phân tích, Đảng của bà Yingluck gần như chắc chắn sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Nhận định về những gì đã diễn ra trong ngày bầu cử sớm hôm 26/1, ông Sunai Phasuk, một nhà nghiên cứu trả lời Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) cho rằng: “Đây là ngày mà người dân Thái Lan và cả thế giới thấy được bộ mặt thật của phong trào phản đối. Họ đang sử dụng những công cụ chết người để phá vỡ quá trình bỏ phiếu”.

Ông Sunai cũng cho rằng, không có gì có thể biện minh cho việc ngăn chặn những người có quyền biểu quyết. Ông Sunai nói: “Bạn không thể chiến đấu chống tham nhũng bằng cách ngăn chặn dân chủ”.

Trong khi đó, lãnh đạo lực lượng biểu tình Suthep Thaugsuban cho rằng, sự kiện ngày chủ nhật chỉ là màn dạo đầu, và đưa ra cảnh báo về những hoạt động mạnh mẽ quyết liệt hơn khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra.

Lực lượng biểu tình đại diện cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Thái Lan đã tiến hành phong tỏa tất cả 50 địa điểm bỏ phiếu. Ở nhiều nơi, những người biểu tình chỉ có khoảng vài chục người, nhưng họ tỏ ra khá “manh động” khi chốt cửa, nhốt các nhân viên phục vụ công tác bỏ phiếu và đe dọa cử tri.

Pruettha Jampathong, 30 tuổi, một cử tri không thể tham gia bỏ phiếu vì người biểu tình phong tỏa các địa điểm bỏ phiếu trong ngày 26/1 trả lời The New York Times cho biết: “Tôi là một người rất khoan dung. Nhưng điều này là rất không công bằng. Họ đã vi phạm các quyền chính trị của tôi”.

Anh Jampathong nói thêm: “Một cuộc bầu cử là cách khoa học nhất để chứng minh nguyện vọng của người dân Thái Lan. Họ (lực lượng biểu tình) không có quyền cản trở nguyện vọng của chúng tôi”.

Trong khi bà Yingluck gọi cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 là một nỗ lực  nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ thì lực lượng biểu tình lại tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử này khi cho rằng nó không thể “quét sạch” ảnh hưởng của ông Thaksin Shinawatra trên chính trường Thái Lan./.