Trong bối cảnh Uỷ ban Bầu cử và Chính phủ Thái Lan chưa thống nhất việc có hoãn cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới hay không, thì việc phe đối lập liên tục có các hành động chống phá Chính phủ đang đẩy nước này lâm vào khủng hoảng trầm trọng hơn.

Những người biểu tình đã dùng dây xích khóa cửa lại, ngăn không cho cử tri đi bỏ phiếu sớm bất chấp bên trong phòng bỏ phiếu vẫn còn có nhiều người.

Nhiều người dân Thái Lan vẫn đi bầu cử bất chấp bị người biểu tình cản trở (Ảnh AP)

Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul cho biết: “Tại Bangkok, Uỷ ban Bầu cử đã phải ngừng hoạt động bỏ phiếu tại 45 quận trên tổng số 50 quận huyện. Trong đó có 33 quận ở trung tâm Bangkok và 12 quận ở phía Tây thủ đô”.

Ông Surapong cũng cho biết, hoạt động bỏ phiếu cũng bị gián đoạn tại 10 trong số 76 tỉnh thành của Thái Lan do hoạt động ngăn cản của người biểu tình như phong toả điểm bỏ phiếu, ngăn cản quan chức phụ trách bầu cử đến các điểm này.

Khoảng 49 triệu trong tổng số 64 triệu người dân Thái Lan đủ tư cách đi bầu cử và 2,6 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu sớm.

Hiện chưa có báo cáo về tình trạng bạo lực. Tuy nhiên, Đài truyền hình Thái Lan cho biết đã xảy ra một vài cuộc tranh cãi giữa cử tri và người biểu tình tại một số điểm bỏ phiếu.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan quyết định rằng hoạt động bỏ phiếu sớm phục vụ cho cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 26/1.

Ủy ban Bầu cử  cho biết các điểm bỏ phiếu riêng lẻ có thể quyết định hoãn bỏ phiếu sớm nếu điểm bỏ phiếu bị người biểu tình phong toả.

Giám đốc văn phòng bỏ phiếu tại quận Ratchathewi, bà Luckana Rojjanawong cho biết: “Chúng tôi đang thương lượng với những người biểu tình và thuyết phục họ rằng, ngăn chặn cuộc bầu cử là bất hợp pháp và sẽ bị xử tù. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục hành động thì chúng tôi phải buộc hoãn bỏ phiếu”.

Ủy ban Bầu cử Thái Lan đưa ra quyết định này sau khi Tòa án Hiến pháp ngày 24/1 ra phán quyết rằng cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới có thể bị hoãn lại.

Tòa án ra phán quyết trên theo khuyến nghị của Ủy ban Bầu cử  là nên sắp xếp lại thời gian tổ chức bầu cử sau khi xảy ra các vụ bạo động trước đó tại thủ đô Bangkok và các tỉnh miền Nam Thái Lan.  

Như vậy, phán quyết này của Tòa án Hiến pháp có hai ý. Một là cuộc bầu cử có thể trì hoãn. Và hai là quyền trì hoãn này được quyết định chung bởi chính phủ và Ủy ban bầu cử Thái Lan– không một cơ quan nào được phép đơn phương đưa ra quyết định này.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Phongthep Thepkanjana cho biết, Ủy ban Bầu cử sẽ gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 28/1 tới để thảo luận về việc hoãn bầu cử. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm gặp gỡ vẫn chưa được tiết lộ.

Việc cuộc bầu cử tại Thái Lan có thể bị hoãn được các nhà phân tích nhìn nhận như “một cuộc đảo chính về pháp lý”. Vì theo Hiến pháp Thái Lan hiện tại thì quy định bầu cử phải tiến hành “không sớm hơn 45 ngày và không trễ hơn 60 ngày sau khi Hạ viện giải tán”.

Với mốc 2/2 hiện tại, cuộc bầu cử diễn ra chỉ vài ngày trước khi hạn định 60 ngày hết hạn. Tuy vậy, trong hoàn cảnh hiện tại thì chính phủ Thái Lan đang ở vào thế bắt buộc phải hoãn bầu cử.

Theo các nhà phân tích, nếu Chính phủ của bà Yingluck vẫn kiên quyết tổ chức cuộc bầu cử 2/2 theo đúng kế hoạch, họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất cứ hậu quả tiêu cực nào mà nó gây ra.

Và với phán quyết Tòa án Hiến pháp, chính phủ của bà Yingluck dường như không thể nào tránh được trách nhiệm đó. Như vậy, quả bóng hiện đã được đá về phía chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

Tình hình tại Thái Lan trong thời gian tới được nhìn nhận sẽ vô cùng phức tạp, vì nếu phe đối lập tiếp tục có những hành động trắng trợn uy hiếp Chính phủ thì rất có thể sẽ khiến cho những người thuộc "phe áo đỏ" ủng hộ Chính phủ xuống đường.

Tình hình hỗn loạn tại Thái Lan lúc đó sẽ là cơ hội tốt để quân đội can thiệp bằng một cuộc đảo chính quân sự./.